Nâng cao kiến thức của người dân về phòng chống tăng huyết áp

Ngày 15/5, Chương trình quốc gia phòng chống tăng huyết áp, Bộ Y tế đã phối hợp với Viện tim mạch Việt Nam tổ chức Lễ hưởng ướng "Ngày Phòng chống Tăng huyết áp Thế giới (17/5)" với chủ đề "Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ chính số tuổi của mình".

 Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ chính số tuổi của mình

Phát biểu tại lễ hưởng ứng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên khẳng định: Tăng huyết áp là một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo báo cáo về sức khỏe hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2002 đã nhấn mạnh tăng huyết áp là "kẻ giết người số một". Ở Việt Nam, trước tình hình gia tăng nhanh chóng và những biến chứng nặng nề của bệnh tăng huyết áp, năm 2008 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt Chương trình phòng chống tăng huyết áp trở thành chương trình mục tiêu quốc gia. Thứ trưởng hy vọng Lễ hưởng ứng này là một trong những hoạt động thiết thực để cung cấp kiến thức về bệnh tăng huyết áp đến cộng đồng giúp người dân hiểu và có ý thức phòng chống bệnh một cách tích cực nhằm giảm thiểu tối đa những biến chứng âm thầm và rất nguy hiểm do căn bệnh này gây ra.

Theo ước tính của WHO đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp và có tới 7,5 tử vong do nguyên nhân trực tiếp là tăng huyết áp trên toàn cầu. Cũng theo thống kê của WHO chỉ có 30% số người bị tăng huyết áp được điều trị và trong số những bệnh nhân được điều trị này thì cũng chỉ có 12% số bệnh nhân được kiểm soát tốt về huyết áp (dưới 140/90mmHg). Ở Việt Nam, theo một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh, thành phố cho thấy: tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên là 25,1%, nghĩa là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp; trong đó có 52% không biết mình bị tăng huyết áp, 30% số người biết bị tăng huyết áp nhưng không điều trị; 64% số người biết bị tăng huyết áp đã được điều trị nhưng không đạt huyết áp mục tiêu.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do nhận thức của người dân về sự thường gặp và mức độ nguy hiểm của bệnh còn chưa đầy đủ và đúng mực; những thói quen sinh hoạt không hợp lý của người dân đã tồn tại khá lâu; nhiều người bệnh chưa thực hiện điều trị bệnh một cách liên tục và lâu dài... Bên cạnh đó, người bệnh tăng huyết áp thường lại có thêm các bệnh lý khác đi kèm như: béo phì, tiểu đường, rối loạn lipid máu...

Theo các chuyên gia y tế, tăng huyết áp có thể gây ra rất nhiều các biến chứng khác nhau làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Các biến chứng thường gặp nhất là: cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, nhũn não, suy thận, phình hoặc phình tách thành động mạch... Để phòng chống bệnh tăng huyết áp người dân nên giảm cân nặng (nếu thừa cân); không hút thuốc lá, thuốc lào; không ăn nhiều chất béo bão hòa; không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn); tập thể dục đều đặn hàng ngày; hạn chế uống bia rượu; tránh các căng thẳng, lo âu; kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình và kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác.

Để hưởng ứng tích cực "Ngày Phòng chống Tăng huyết áp Thế giới (17/5), ngay sau lễ hưởng ứng, Dự án phòng chống tăng huyết áp quốc gia đã phối hợp với Viện Tim mạch Việt Nam tổ chức khám và tư vấn miễn phí về bệnh tăng huyết áp cũng như các yếu tố nguy cơ, giáo dục sức khỏe cộng đồng tại Cung Văn hóa Thế thao Thanh niên, Hà Nội (Số 1 Tăng Bạt Hổ) cho người dân trong cộng đồng.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam