Già hóa dân số tạo ra những thách thức đối với sự phát triển của đất nước

 Dân số Việt Nam đang già hóa một cách nhanh chóng, do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng lên trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Khuynh hướng nhân khẩu học này cho thấy Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc cải thiện đáng kể về y tế, dinh dưỡng và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, theo kết quả báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), già hóa dân số nhanh chóng cũng sẽ tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam.

Các nhận định trên được đưa ra tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 12/5 với chủ đề: Già hoá Dân số ở Việt Nam: Các thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước do Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi họp, Bà Nobuko Horibe, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNFPA đã nhấn mạnh: "Già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ nam giới tới phụ nữ và trẻ em. Đối với mỗi quốc gia, sự gia tăng nhanh chóng cả về số lượng cũng như tỷ lệ của nhóm dân số cao tuổi so với nhóm dân số trong độ tuổi lao động sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến tính công bằng và sự kết nối trong một thế hệ và giữa các thế hệ, điều này chính là nền tảng của xã hội”.

 Gặp gỡ báo chí về Già hóa Dân số ở Việt Nam do UNFPA tổ chức ngày 12-5.

Số liệu từ cuộc Tổng điều tra Dân số năm 2009 cho thấy, số lượng người cao tuổi đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác nên chỉ số già hóa cũng gia tăng nhanh chóng, trong khi đó tỷ số hỗ trợ tiềm năng lại giảm đáng kể. Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Chẳng hạn như Thụy Điển phải mất tới 85 năm, Nhật Bản là 26 năm, và Thái Lan là 22 năm, trong khi dự báo ở Việt Nam chỉ là 20 năm. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với tăng trưởng kinh tế cũng như các chương trình an sinh xã hội cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số cao tuổi được coi là nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất.

Một vấn đề quan trọng cần lưu ý là số lượng phụ nữ cao tuổi chiếm ưu thế so với nam giới cao tuổi. Cụ thể, xét theo nhóm tuổi, số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 cho thấy, tương ứng với 100 nam giới cao tuổi ở độ tuổi 60-69 thì có 131 nữ giới cao tuổi cùng ở nhóm tuổi này; tương tự, ở nhóm tuổi 70-79 có 149 nữ giới cao tuổi và từ 80 trở lên có 200 nữ giới cao tuổi. Đây chính là biểu hiện của hiện tượng “nữ hóa dân số cao tuổi” ở Việt Nam. Phụ nữ cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật, và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế.

Ông Bruce Campbell, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa một cách nhanh chóng, chính vì lẽ đó thời gian là vô cùng quan trọng. Để các chính sách và chương trình quốc gia được thiết kế và thực hiện rộng rãi đáp ứng được nhu cầu về chăm sóc y tế và bảo trợ xã hội cho nhóm dân số cao tuổi thì Việt Nam cần phải có các chính sách và chiến lược thực tế và phù hợp được xây dựng dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu định tính và định lượng. Những nghiên cứu này phải phân tích mối tương quan giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế cũng như các nhu cầu về dịch vụ xã hội dành cho người cao tuổi”.

Chăm sóc người cao tuổi là một chính sách quan trọng mà Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước. Kể từ khi Hiến pháp đầu tiên được ban hành năm 1946, vấn đề người cao tuổi đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách và các chương trình kinh tế và xã hội của Việt Nam.

Theo nhận định của tiến sỹ Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế): “Vấn đề già hóa dân số đã được coi là một trong những vấn đề ưu tiên trong Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Trong giai đoạn tới, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng cao, Việt Nam cần phải có những chính sách để phát huy và chăm sóc người cao tuổi ngày một tốt hơn”.

Tuy nhiên, các chính sách và chương trình này còn chưa được thực hiện một cách đầy đủ, dẫn tới các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chưa thực sự phát triển; khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng dành cho người cao tuổi còn thấp; quỹ hưu trí dành cho lực lượng lao động cao tuổi chưa thực sự ổn định và còn có nhiều bất cập liên quan tới bất bình đẳng giới và bất bình đẳng giữa các thế hệ; vẫn còn có nhiều bất cập liên quan tới việc thụ hưởng các chương trình an sinh xã hội khác.

Chính vì vậy, nếu già hóa dân số chưa được coi là một vấn đề phát triển kinh tế-xã hội thì các nghiên cứu, chính sách và chương trình thích hợp để đáp ứng vấn đề già hóa dân số sẽ không được xúc tiến…Do đó, các bài học kinh nghiệm dựa trên các nghiên cứu chính sách được xây dựng một cách cẩn trọng từ các quốc gia khác sẽ gợi ý cho Việt Nam một số chính sách và can thiệp giúp tạo ra tác động tích cực và sâu rộng tới cuộc sống và sức khỏe của nhóm dân số cao tuổi đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam