Tin kinh tế tổng hợp

* Giá vàng sáng 22/7 ít biến động

Mở cửa phiên giao dịch, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn giữ nguyên ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua, được niêm yết ở mức 56,80 - 57,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra so với phiên giao dịch ngày hôm qua, niêm yết ở mức 56,95 - 57,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trong khi đó, giá vàng thế giới giảm phiên thứ hai liên tiếp ngày 21/7, chạm mức thấp nhất hơn một tuầnKết thúc phiên này. Tại sàn giao dịch COMEX của Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 0,4%, xuống 1.803,11 USD/ounce. Trước đó, cũng trong phiên này, giá vàng giao ngay có thời điểm rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 12/7 là 1.793,59 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4%, xuống 1.803,40 USD/ounce.

* Sáng 22/7, tỷ giá trung tâm tăng 4 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 22/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.215 VND/USD, tăng thêm 4 đồng so với ngày hôm qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.911 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.518 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại sáng nay, khi giá đồng USD có xu hướng giảm thì giá đồng Nhân dân tệ (NDT) lại tăng nhẹ.

Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank giảm 10 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với ngày hôm qua, niêm yết ở mức 22.890 - 23.120 VND/USD (mua vào - bán ra).

Đồng NDT tại ngân hàng này tăng 8 đồng ở chiều mua vào và tăng 9 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua, được niêm yết ở mức 3.487 - 3.634 VND/NDT (mua vào - bán ra).

* Giá dầu thế giới tăng hơn 4% trong phiên 21/7

Giá dầu tăng hơn 4% trong phiên giao dịch 21/7 khi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ tăng.

Tại thị trường New York, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 2,88 USD (4,2%) lên 72,23 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3,1 USD (4,6%) lên 70,30 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này bất ngờ tăng 2,1 triệu thùng trong tuần trước lên 439,7 triệu thùng trong khi các nhà phân tích đã dự kiến giảm 4,5 triệu thùng.

Giá dầu kỳ hạn đang hồi phục sau khi giảm khoảng 7% vào ngày 19/7, sau thỏa thuận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, nhằm tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng mỗi ngày từ tháng 8-12/2021.

Các nhà phân tích tại ngân hàng JP Morgan (Mỹ) cho biết, mặc dù nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến đạt trung bình 99,6 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2021, tăng 5,4 triệu thùng so với tháng 4/2021 nhưng dự kiến nhu cầu trong quý IV/2021 chỉ phục hồi thêm 330.000 thùng so với năm 2019.

* Nửa đầu tháng 7/2021, Việt Nam nhập siêu 1,82 tỷ USD

Theo thông tin Tổng cục Hải quan tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 7/2021 đạt 27,39 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020 (32,3 tỷ USD).

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu là 14,6 tỷ USD, tăng gần 700 triệu USD so với nửa cuối tháng 6/2021 nhưng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020 (36,8 tỷ USD).

Trong nửa đầu tháng 7/2021 các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu cao nhất với kim ngạch gần 3 tỷ USD. Tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng gần 2,1 tỷ USD.

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của nửa đầu tháng 7/2021 chỉ đạt 12,78 tỷ USD, giảm mạnh hơn 2 tỷ USD so với nửa cuối tháng 6/2021 và giảm tới 13,9% so với nửa đầu tháng 7/2020 (28 tỷ USD).

Trong 15 ngày qua có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD là điện thoại và linh kiện, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhóm hàng máy móc thiết bị và nhóm hàng dệt may.

Như vậy, trong 15 ngày đầu tháng 7/2021 Việt Nam đã nhập siêu 1,82 tỷ USD.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/7/2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 345,45 tỷ USD, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu 171,22 tỷ USD và tổng kim ngạch nhập khẩu 174,23 tỷ USD.

Như vậy, từ đầu năm đến giữa tháng 7/2021 Việt Nam đã nhập siêu 3,01 tỷ USD.

Nguyên nhân tình hình xuất khẩu hàng hoá bị sụt giảm trong nửa đầu tháng 7/2021 được cho là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19. Ngoài ra, tình trạng ách tắc hàng hóa tại các cảng biển tăng do thiếu container, các hãng tàu tăng chi phí vận chuyển…

* Gần 620 doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đăng ký thực hiện “3 tại chỗ”

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HEPZA), tính đến sáng 21/7 đã có 618 doanh nghiệp trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao đăng ký thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” với gần 130.000 công nhân.

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp thành phố cho biết, hiện HEPZA cùng với các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra đối với 386/618 doanh nghiệp. Trong đó, có 338 doanh nghiệp đủ điều kiện, với số lượng 38.412 công nhân lao động và 48 doanh nghiệp không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động theo điều kiện đặt ra của UBND thành phố về việc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nếu không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

Trong 618 doanh nghiệp đăng ký phương án sản xuất “3 tại chỗ”, có một số doanh nghiệp trong thời điểm bảo trì, dừng sản xuất và chủ yếu ở lại doanh nghiệp là nhân viên bảo trì thiết bị, vệ sinh máy móc, bảo vệ… “Do đó, Ban quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp thành phố lập lại danh sách và không thực hiện kiểm tra đối với các doanh nghiệp này để tập trung cho việc kiểm tra đối với các doanh nghiệp còn lại, nhất là doanh nghiệp có nhiều công nhân, người lao động”, ông Trực chia sẻ.

Theo ông Trực, để thực hiện phương án vừa cách ly, vừa sản xuất, doanh nghiệp phải đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể như: doanh nghiệp có rất ít nguy cơ lây nhiễm, nơi ở tách biệt khu vực sản xuất, lối ra vào thuận tiện, có hệ thống camera giám sát…. Ngoài ra, người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi vào lưu trú, không ra khỏi nhà máy trong thời gian áp dụng phương thức trên.

Theo Công đoàn Ban quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa an toàn sản xuất, trước đó, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức xét nghiệm dịch COVID-19, vận động người lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nhiều doanh nghiệp đã bố trí phương án vừa cách ly, vừa sản xuất tại một khu nhà riêng biệt hoặc thuê nơi ở cho công nhân lao động theo phương án “1 cung đường, 2 địa điểm”; cung cấp cho người lao động các vật tư phòng dịch như nước sát khuẩn, nước muối súc họng, vitamin nâng cao sức đề kháng…

* Từ 22/7, Đồng Nai thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm"

Ngày 21/7, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã ban hành văn bản về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Văn bản quy định, doanh nghiệp đóng tại 7 huyện, thành phố trên địa bàn Đồng Nai nếu muốn hoạt động phải thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”.

Phương án này được Đồng Nai áp dụng đối với các doanh nghiệp tại huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch và thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh. Thời gian bắt đầu 00 giờ ngày 22/7/2021 đến hết ngày 1/8/2021. Đối với doanh nghiệp đóng tại các huyện khác trong quá trình hoạt động phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Trường hợp xét nghiệm không có ca bệnh, trước khi sản xuất, doanh nghiệp phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn, nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”; trong đó, 1 cung đường là chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển công nhân từ nơi lưu trú đến nơi sản xuất, 2 địa điểm thì 1 địa điểm là nơi ở tập trung cho người lao động của từng doanh nghiệp, 1 địa điểm là nhà máy sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, về phương án “3 tại chỗ”, đến nay, tại Đồng Nai đã có gần 230 doanh nghiệp thực hiện, số công nhân lưu trú trong công ty gần 38.000 người. Đối với quy định “1 cung đường, 2 địa điểm”, doanh nghiệp phải sắp xếp cho người lao động tạm trú ở một nơi khác, không nằm trong nhà máy nhưng phải nằm trong khu công nghiệp. Công ty sử dụng xe ô tô để đưa công nhân từ nơi tạm trú đến nhà máy, không được để người lao động đi xe gắn máy. Nơi tạm trú cho công nhân có thể là nhà kho, nhà xưởng hoặc các công trình khác trong khu công nghiệp.

Ông Lê Văn Danh chia sẻ, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai đã có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện “1 cung đường, 2 địa điểm”. Việc thực hiện phương án này phải tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, doanh nghiệp phải bàn bạc, thống nhất với người lao động. Nơi ở cho người lao động đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

* Peru trở thành nước thứ 8 phê chuẩn hiệp định CPTPP

Ngày 21/7 (giờ địa phương), truyền thông Peru (Pê-ru) cho biết Quốc hội nước này đã chính thức thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 97 phiếu thuận, qua đó đưa quốc gia Nam Mỹ này trở thành nước thứ 8 phê chuẩn văn kiện này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng các thỏa thuận hợp tác với các thành viên khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Ngoại thương và Du lịch Peru Claudia Cornejo đánh giá việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP có ý nghĩa chiến lược, cho phép các doanh nghiệp nước này tiếp cận thị trường của các nước thành viên tham gia ký kết CPTPP với tổng dân số trên 500 triệu người, chiếm khoảng 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.

Theo bà Cornejo, hiệp định thương mại đa phương thế hệ mới này bao gồm cả một số chương đặc biệt liên quan tới hợp tác và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ, nghiên cứu, lao động và các vấn đề môi trường. Sau khi được Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ Peru sẽ sớm hoàn thành bước tiếp theo là thông báo cho các nước liên quan và hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực tại Peru trong vòng 60 ngày sau khi hoàn tất thông báo đó.

CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết ngày 8/3/2018 với 11 nước thành viên tham gia là Australia (Ôx-trây-li-a), Canada (Ca-na-đa), Chile (Chi-lê), Nhật Bản, Malaysia (Ma-lai-xi-a), Mexico (Mê-hi-cô), New Zealand (Niu Di-lân), Peru, Singapore (Xin-ga-po) và Việt Nam. Hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Đối với Việt Nam, hiệp định này có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.

* Lãnh đạo IMF nhận định về quá trình phục hồi của kinh tế thế giới

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ ở mức 6%, tương đương với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4. Đây là thông tin mới được Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đưa ra ngày 21/7, trong đó nêu rõ dù dự báo tổng quan không thay đổi nhưng tăng trưởng của một số nước được dự báo có thể nhanh hoặc chậm hơn so với dự báo trước đó.

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến, bà Georgieva cho biết quá trình phục hồi kinh tế sẽ chậm lại nếu tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 không được đẩy nhanh. Theo bà, với tốc độ tiêm phòng hiện nay, mục tiêu đẩy lùi đại dịch COVID-19 trước cuối năm 2022 sẽ không thể thực hiện được.

Hồi tháng 4/2021, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng mạnh nhất kể từ những năm 1970, với điều kiện nguồn cung vaccine cải thiện và các nền kinh tế mở cửa trở lại cùng sự trợ giúp của các gói kích thích tài khóa, đặc biệt là ở Mỹ. IMF sẽ công bố dự báo "Triển vọng kinh tế thế giới" cập nhật vào ngày 27/7 tới.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu mới nhất, bà Georgieva lo ngại đà phục hồi kinh tế có thể sẽ suy giảm trong bối cảnh các quốc gia gia đang phát triển thiếu nguồn cung vaccine và biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh. Dù cho biết IMF vẫn duy trì dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 6% nhưng tốc độ tăng trưởng ở các khu vực và các quốc gia sẽ có sự điều chỉnh. Theo bà Georgieva, sự điều chỉnh trên được IMF đưa ra chủ yếu dựa trên đánh giá về tốc độ và hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng và năng lực tài khóa sẵn có của các quốc gia.