Tập trung nguồn lực kiểm soát dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh vừa có Công văn số 2281/UBND-KTTH về việc tập trung nguồn lực kiểm soát dịch bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh.

Theo thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 10-2020 đến ngày 18-4-2021, bệnh VDNC trên trâu, bò đã xảy ra 1.124 ổ dịch, tại 1.097 xã, 170 huyện của 25 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 28.725 con, trong đó có 2.432 con chết và tiêu hủy. Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 1.020 xã, 158 huyện của 25 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 27.247 con, trong đó số chết và tiêu hủy là 2.220 con. Dịch bệnh hiện đang xảy ra nặng nhất ở các tỉnh: Hà Tĩnh (180 xã, 13 huyện, số gia súc mắc bệnh là 12.480 con), Thanh Hóa (209 xã, 24 huyện, số gia súc mắc bệnh là 3.919 con), Quảng Bình (94 xã, 8 huyện, số gia súc mắc bệnh là 4.076 con). Hiện nay, cả nước có 886 ổ dịch tại 131 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) chịu khó chăm sóc đàn bò để phòng, chống bệnh. Ảnh: Văn Nỷ

Tại tỉnh ta, bệnh VDNC trên trâu, bò mặc dù chưa xuất hiện, đang được kiểm soát tốt và cách xa các tỉnh có dịch VDNC trên trâu, bò. Tuy nhiên, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh VDNC trên trâu bò có thể phát sinh lây lan trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành có liên quan tập trung các nguồn lực để triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, chính quyền cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi trâu bò chủ động nhận biết các đặc điểm của bệnh; tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng,… truyền bệnh; chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện của bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và các sản phẩm của chúng, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ trên địa bàn; phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y.

Các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò căn cứ vào tình hình dịch bệnh VDNC, đánh giá nguy cơ và điều kiện thực tế, tổng hợp nhu cầu vắc xin VDNC, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới kế hoạch và bố trí kinh phí để quyết định sử dụng vắc xin phòng bệnh VDNC; bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm phòng…