Niềm vui sáp nhập trường

Ngày 11- 3-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Ninh Thuận vào Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Vui mừng, phấn khởi là cảm xúc chung của tập thể cán bộ, giảng viên, người lao động và toàn thể sinh viên Trường CĐSP Ninh Thuận khi ngôi trường mà họ gắn bó công tác và học tập chính thức được sáp nhập vào Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh – một ngôi trường có bề dày thành tích và là 1 trong 10 thương hiệu quốc gia.

Như nhiều sinh viên khác của Trường CĐSP Ninh Thuận, khi biết ngôi trường mà mình theo học gần 3 năm qua chuẩn bị được sáp nhập, em Nguyễn Thị Thanh Thoa, sinh viên lớp Anh văn K42, Trường CĐSP Ninh Thuận cảm thấy rất vui và tự hào. Theo em, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở giáo dục- đào tạo uy tín của quốc gia, điều đó đồng nghĩa với việc sau khi sáp nhập, em và các bạn sinh viên Trường CĐSP Ninh Thuận sẽ được tiếp cận với một môi trường học tập tốt hơn, cơ hội được tiếp tục đào tạo chuyên sâu cao hơn và quan trọng nhất là việc tìm kiếm việc làm sẽ thuận lợi hơn sau khi ra trường.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vui mừng, phấn khởi khi được sáp nhập vào Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh

Tiền thân là Trường Trung cấp Sư phạm Ninh Thuận nâng cấp trở thành trường Cao đẳng năm 2000, qua gần 30 năm, Trường CĐSP Ninh Thuận đã đào tạo được trên 30.000 học sinh, sinh viên. Tuy nhiên chất lượng đào tạo còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chỉ mới 11 năm thành lập, Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận đã đào tạo cho tỉnh nhà và các tỉnh lân cận gần 250 thạc sĩ, 1.500 cử nhân, hàng chục lớp bồi dưỡng chuyên đề và hàng chục báo cáo nghiên cứu khoa học có giá trị. Đây là nguồn lao động chất lượng cao phục vụ cho quyết tâm đưa Ninh Thuận phát triển trong thời gian tới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Cô Võ Nguyễn Hoài Như – Giảng viên Khoa Bộ môn chung, Trường CĐSP Ninh Thuận chia sẻ: Chúng tôi luôn kỳ vọng vào sự đổi mới vì một mục đích chung là sự phát triển của tỉnh nhà. Việc sáp nhập đã được Đảng ủy, công đoàn, ban lãnh đạo nhà trường thông tin đến chúng tôi theo từng giai đoạn. Được biết, sau khi sáp nhập, ngành sư phạm vẫn tiếp tục được đào tạo, do đó, chúng tôi rất yên tâm công tác cũng như tuyên truyền cho các bạn sinh viên ổn định tư tưởng, nỗ lực học tập trước sự kiện sáp nhập.

Theo đồng chí Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, việc sáp nhập Trường CĐSP Ninh Thuận vào Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh là một xu hướng tất yếu, phù hợp với xu thế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Việc sáp nhập nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, cán bộ giảng viên và sinh viên của hai trường. Sau khi sáp nhập, Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận sẽ được đặt tại thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải) với tổng diện tích 60ha; quy mô đào tạo 2.000 sinh viên/năm; tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng và nguồn vốn đầu tư do Trung ương hỗ trợ theo Nghị quyết 115 của Chính phủ. Với uy tín và vị thế của mình trong hệ thống giáo dục quốc gia, sau khi sáp nhập, Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh, đồng thời cũng là cơ hội để học sinh, sinh viên của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung có một môi trường giáo dục được đào tạo bài bản, chuyên sâu, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày cao của xã hội. Đây cũng là tiền đề để tình Ninh Thuận hướng tới thành lập trường Đại học Ninh Thuận trong tương lai.