Chỉ thị của UBND tỉnh: Về việc tăng cường công tác vận động hiến máu tình nguyện giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

LTS: Ngày 1-4-2021, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường công tác vận động hiến máu tình nguyện giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.

Trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh Ninh Thuận duy trì tốt và được Nhân dân trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều địa phương, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, số lượng người tình nguyện tham gia hiến máu ngày càng tăng, huy động được cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, sinh viên và Nhân dân trong tỉnh cùng tham gia. Tuy nhiên, lượng máu hiến đôi lúc chưa đủ đáp ứng nhu cầu phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh, đồng thời chưa huy động hết khả năng, nguồn lực trong các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp và người dân tại các khu dân cư; chưa khơi dậy tính tự giác và sự chung tay cùng tham gia của tất cả các thành phần, đối tượng trong xã hội. Nguyên nhân một phần do công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế, chưa thể hiện tốt sự quan tâm, chỉ đạo từ các nhà lãnh đạo, quản lý đối với việc vận động người tham gia hiến máu tình nguyện.

Người dân tham gia hiến máu nhân đạo tại Khoa Huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ

Nhằm thực hiện Chiến lược chăm sóc sức khỏe Nhân dân và mục tiêu quốc gia về an toàn truyền máu đến năm 2025 cũng như đáp ứng chỉ tiêu đơn vị máu do Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện giao cho tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp, các trường: Đại học, cao đẳng, trung cấp, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tham mưu cho cấp ủy, chi bộ lãnh đạo thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban vận động hiến máu tình nguyện của đơn vị. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, hội viên, sinh viên, thanh niên và Nhân dân tích cực tham gia hiến máu cứu người. Phát động “Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện từ 1-2 lần/năm”, trong đó đạt trên 30% số đơn vị máu hiến loại 350 ml, phấn đấu trong năm đạt trên 7.000 lượt người hiến máu, năm sau tăng hơn năm trước 10% số đơn vị máu.

2. Hội Chữ thập đỏ tỉnh (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh) có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch, tổ chức phối hợp thực hiện, đề xuất việc giao chỉ tiêu trên địa bàn tỉnh cho các cơ quan, đơn vị liên quan đến vận động hiến máu tình nguyện, đáp ứng nhu cầu máu trong cấp cứu và điều trị.

b) Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị địa phương tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, vận động, quản lý công tác hiến máu; vận động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, sinh viên, người lao động và Nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tham gia hiến máu tình nguyện nhân các chiến dịch, các sự kiện lớn: Ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện” (7-4), Ngày “Quốc tế Người hiến máu” (14-6). Tổ chức sơ kết, tổng kết và đề xuất tôn vinh những cá nhân, gia đình và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện. Tổng hợp báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Trưởng ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh.

c) Là đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai các nội dung hiến máu tình nguyện theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh.

d) Tăng cường vận động phát triển lực lượng hiến máu dự bị để sẵn sàng cung cấp máu khi có yêu cầu. Hàng năm, vận động và tiếp nhận 7.000 lượt người tham gia hiến máu, năm sau tăng hơn năm trước 10% số đơn vị máu.

3. Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện việc tiếp nhận máu của người hiến máu tình nguyện, thực hiện tốt công tác chuyên môn, kỹ thuật, trang thiết bị xét nghiệm, phân tích máu, để bảo đảm an toàn trong việc lấy máu và truyền máu; phấn đấu đạt trên 7.000 lượt người hiến máu trong năm; Thực hiện bồi dưỡng chế độ cho người hiến máu theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức trong ngành tích cực tham gia tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện.

4. Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các đơn vị tuyên truyền, các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, kịp thời thông tin, tuyên truyền về công tác hiến máu tình nguyện, vận động Nhân dân trong toàn tỉnh tích cực tham gia hiến máu nhằm đạt chỉ tiêu theo từng năm và cả giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là các chiến dịch, các sự kiện lớn trong phong trào hiến máu tình nguyện.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Thuận chủ động phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh thường xuyên tuyên truyền, đưa tin về công tác vận động hiến máu tình nguyện trong tỉnh; những gương điển hình tiêu biểu của các cá nhân, gia đình và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện; lập tin chuyên trang, chuyên mục về “Hiến máu cứu người” để vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện nhân các chiến dịch, sự kiện lớn hàng năm như: Ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện” (7-4), Ngày “Quốc tế Người hiến máu” (14-6), Chiến dịch “Lễ hội Xuân hồng”, Chiến dịch “Những giọt máu hồng hè”,… theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.

6. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh (Sở Nội vụ) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh nghiên cứu, đề xuất và thực hiện tốt Quy chế tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, gia đình, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác vận động hiến máu và tham gia hiến máu tình nguyện.

7. Sở Tài chính hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hoạt động công tác hiến máu tình nguyện cho Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh (Hội Chữ thập đỏ tỉnh) tổ chức các hoạt động và các sự kiện lớn về hiến máu tình nguyện hàng năm, công tác tuyên truyền và thực hiện chế độ tôn vinh, khen thưởng,…

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp tuyên truyền vận động và giám sát việc thực hiện; các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ và các Hội quần chúng khác vận động cán bộ, hội viên, viên chức và người lao động có sức khỏe tốt tham gia hiến máu tình nguyện theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh giao.

9. Đề nghị Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo tổ chức Đoàn, Hội, Công đoàn các cấp vận động đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt trong phong trào hiến máu tình nguyện; phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp vận động đoàn viên, thanh niên, hội viên tích cực tham gia hiến máu theo kế hoạch từng giai đoạn cụ thể; phấn đấu vận động trên 1.500 lượt người hiến máu/năm.

10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp với Ban Chỉ đạo và Ban vận động cùng cấp triển khai thực hiện đạt kết quả cao trong việc hiến máu tình nguyện; quan tâm, hỗ trợ cho Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện có điều kiện thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu công tác vận động hiến máu tình nguyện do Ban Chỉ đạo tỉnh giao hàng năm.

11. Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện từ tỉnh đến cơ sở, thường xuyên kiện toàn và phát huy vai trò của mỗi thành viên để chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ và tổ chức triển khai hoạt động hiến máu tình nguyện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

12. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương củng cố, thành lập các mô hình ngân hàng máu sống, câu lạc bộ máu hiếm, tổ, đội hiến máu dự bị, sẵn sàng tham gia hiến máu trong tình huống yêu cầu khẩn cấp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Hội Chữ thập đỏ tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp, báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.