Tài nguyên nước lưu vực Sông Cái Phan Rang góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Sông Cái Phan Rang có chiều dài khoảng 120 km, bắt đầu ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Lâm Đồng và kết thúc tại phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Đóng vai trò là con sông huyết mạch của toàn tỉnh, dòng chính Sông Cái có chức năng cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ các hoạt động dân sinh, kinh tế, du lịch, điều tiết dòng chảy, tiêu thoát lũ.

Lưu vực Sông Cái Phan Rang nằm trong khu vực có lượng mưa hằng năm thấp nhất cả nước. Tổng lượng mưa hằng năm khoảng 700-1000 mm và phân bố không đều giữa các tháng trong năm. Khoảng 70-80% lượng mưa năm tập trung vào 4 tháng cuối năm, là thời kỳ mùa mưa ở Ninh Thuận. Ngược lại, trong 8 tháng mùa khô, từ tháng 1-8, tổng lượng mưa thường chỉ bằng khoảng 20-30% lượng mưa cả năm.

Dòng chảy năm trên lưu vực Sông Cái Phan Rang chịu sự chi phối trực tiếp của lượng mưa trong năm. Lượng mưa trên lưu vực phân bố không đều theo không gian và thời gian, do đó, chế độ dòng chảy cũng biến động theo không gian và thời gian. Mô đun dòng chảy năm trung bình lưu vực chỉ khoảng 20 l/s.km2, khu vực ven biển chỉ khoảng 5 l/s.km2. Các vùng núi cao sườn dốc ở thượng nguồn có mô đun dòng chảy lớn hơn nhiều so với vùng hạ du từ 4 đến 5 lần.

Ảnh hưởng của thuỷ triều vịnh Phan Rang lên chế độ thủy văn Sông Cái không lớn, chỉ vào sâu 7-10 km tính từ cửa biển. Hằng năm, mùa lũ trên lưu vực thường bắt đầu chậm hơn mùa mưa khoảng 2 đến 3 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12), với lượng dòng chảy chiếm khoảng 70-80% lượng nước cả năm. Đáng lưu ý là Sông Cái Phan Rang có một hệ thống các sông nhánh phân bố theo dạng chùm rễ cây khiến lũ tập trung nhanh. Ngoài dòng chảy tự nhiên sinh ra từ mưa, từ 1962, Sông Cái còn nhận thêm lượng nước xả từ nhà máy thủy điện Đa Nhim liên tục cho đến nay. Lượng nước lưu vực Sông Cái thuộc Ninh Thuận: 1.580 triệu m3/năm; lượng nước thủy điện Đa Nhim chuyển vào: 537 triệu m3/năm; lượng nước lưu vực Sông Cái thuộc tỉnh khác: 252 triệu m3/năm.

Đập hạ lưu sông Dinh có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng
xâm nhập mặn do ảnh hưởng của thủy triều. Ảnh: Phan Bình

Nguồn nước mặt sau nhà máy thuỷ điện Đa Nhim được điều tiết thông qua hồ chứa Đa Nhim. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của nhà máy đến nay vẫn là phát điện nên nguồn nước bổ sung cho lưu vực Sông Cái Phan Rang hiện nay còn phụ thuộc chủ yếu vào sự vận hành của ngành điện. Do đó, về động thái, nguồn nước mặt trên lưu vực phụ thuộc vào chế độ mưa trong khi dòng chảy về mùa mưa đáp ứng đủ cho các hộ dùng nước hiện trạng nhưng ngược lại mùa khô dòng chảy nhiều sông suối bị khô kiệt gây ra hiện tượng thiếu hụt nguồn nước phục vụ hoạt động dân sinh, kinh tế khu vực không có nước từ nhà máy thuỷ điện Đa Nhim.

Về điều kiện khí tượng, lưu vực Sông Cái Phan Rang có nền nhiệt độ cao, lượng mưa trung bình hàng năm thấp trong khi lượng bốc thoát hơi lớn và thảm thực vật nghèo nàn cùng với địa hình dốc làm cho hầu hết nước mưa chảy ra biển. Vì vậy, tổng lượng nước mặt hàng năm trên lưu vực rất thấp, chỉ khoảng 2,4 triệu m3, trong đó đã bao gồm lượng nước bổ sung từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Mặt khác, sự phân bố tài nguyên nước không đồng đều theo thời gian gây ra tình trạng mất cân bằng nguồn nước cung cấp giữa hai mùa trong năm. Mùa mưa, lượng nước mặt trên lưu vực khá dồi dào, song mùa khô thường xảy ra hiện tượng khan hiếm nguồn nước, đặt ra các vấn đề liên quan đến điều phối tài nguyên nước trên lưu vực.

Nhìn chung, lưu vực nghiên cứu có nhiều tiềm năng để phát triển một nền kinh tế đa dạng và năng động, trong đó, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo. Mặc dù còn tồn tại nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng còn thấp, song những năm qua, Ninh Thuận đã gặt hái được những thành tựu kinh tế - xã hội đáng kể. Cùng với đó, các mục tiêu và định hướng phát triển trong tương lai đã được xây dựng và hoạch định cụ thể. Với những mục tiêu và định hướng này, việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý càng trở nên quan trọng và có tính chất quyết định khi sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, sự hình thành các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp; phát triển dịch vụ du lịch, giao thông vận tải thủy, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản… đang là chiều hướng tất yếu sẽ diễn ra trên lưu vực, kéo theo sự gia tăng nhu cầu khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt cho các mục đích phát triển cũng như sự gia tăng về lượng chất ô nhiễm thải vào nguồn nước. Việc đánh giá, phân tích hiện trạng và các định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Ninh Thuận là căn cứ cho việc tính toán và dự báo nhu cầu sử dụng nước cũng như khả năng cung ứng nguồn nước hiện tại và tương lai.