Mới chỉ có 1% dân số thế giới được tiêm vaccine COVID-19

Truyền thông nước ngoài vừa dẫn số liệu thống kê từ các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Oxford (Anh) cho thấy, các chương trình tiêm chủng vaccine chống COVID-19 đã được thực hiện trong phạm vi ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc tiêm chủng mới chỉ được thực hiện trên tổng số 1% dân số thế giới.

Kết quả nghiên cứu được đưa ra dựa trên dữ liệu từ chính phủ các nước và một số nguồn thông tin khác cũng cho thấy, hiện đang có ít nhất 7 loại vaccine chống COVID-19 đang được sử dụng trên thế giới. Tính đến ngày 17-2, ít nhất đã có 178 triệu liều vaccine được sử dụng trên phạm vi toàn cầu.

Cũng theo thông tin do Đại học Oxford công bố, đã có khoảng 91,57 triệu người trên thế giới được tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19.

Xét theo quy mô quốc gia, Mỹ là nước ghi nhận số mũi tiêm vaccine COVID-19 cao nhất trên thế giới, với 52,88 triệu liều. Xếp các vị trí tiếp theo là Trung Quốc với 40,52 triệu liều; Anh 15,84 triệu liều; Ấn Độ 8,72 triệu liều và Israel với 6,6 triệu liều.

Theo đánh giá trên website của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford, Israel là nước đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cao nhất thế giới, với 46,1% dân số. Trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển khác là Mỹ và Anh lần lượt là 22,5% và 11,5%.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, với sự gia tăng nhanh chóng của số ca nhiễm biến thể mới virus SARS-CoV-2, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới cần xây dựng kế hoạch tiêm chủng toàn cầu. Người đứng đầu Liên hợp quốc đề xuất Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dẫn dắt nỗ lực này, thông qua việc thành lập một lực lượng ứng phó khẩn cấp nhằm chuẩn bị một “kế hoạch vaccine toàn cầu” chống lại đại dịch COVID-19.

Phát biểu khai mạc phiên họp đặc biệt cấp Bộ trưởng Ngoại giao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vaccine được tổ chức trực tuyến ngày 17-2, ông Guterres nói, thế giới đã cùng nhau tạo ra cơ chế COVAX - một công cụ toàn cầu để sản xuất và phân phối vaccine cho các nước thu nhập trung bình và thấp. Cho dù cơ chế COVAX vẫn đang cần tới sự hỗ trợ tài chính đầy đủ, thì chúng ta cũng phải hành động nhiều hơn nữa.  “Các nỗ lực của chúng ta cần phải được thực hiện một cách toàn diện, và phối hợp nhịp nhàng ở khắp mọi nơi” - người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định.

Từ những lập luận trên, ông Guterres cho rằng, thế giới đang “khẩn cấp” cần tới một Kế hoạch tiêm chủng toàn cầu để tập hợp những người có quyền lực, chuyên môn khoa học cũng như năng lực sản xuất và tài chính cần thiết. Theo đánh giá của người đứng đầu Liên hợp quốc thì G20 đang ở "vị thế tốt nhất" để lập một đội đặc trách về việc chuẩn bị một kế hoạch như vậy, cũng như điều phối việc tài trợ và triển khai các chương trình tiêm phòng toàn cầu. Đội đặc trách này nên bao gồm cả đại diện tất cả các nước có năng lực sản xuất hoặc bào chế vaccine nếu được cấp phép, cùng với các tổ chức tiêm chủng toàn cầu, các tổ chức chuyên môn có liên quan và thể chế tài chính quốc tế.

Theo số liệu do ông Guterres đưa ra, đến nay chỉ 10 nước đã tiêm được 75% số liều vaccine ngừa COVID-19 trong khi 130 nước và vùng lãnh thổ chưa triển khai chương trình tiêm chủng vaccine loại này. Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Vào thời khắc khó khăn như hiện nay, vấn đề phân phối công bằng vaccine COVID-19 là phép thử lớn nhất về đạo đức mà cộng đồng quốc tế đang đối mặt. Chúng ta phải đảm bảo mọi người, mọi nơi có thể được tiêm phòng càng sớm càng tốt… Khi xảy ra đại dịch thì chúng ta chỉ có thể an toàn nếu như mọi người đều an toàn”.

Theo Báo điện tử ĐCSVN