Điểm sáng khoa học và công nghệ

Năm 2020 được đánh giá là năm đột phá quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2015-2020, tạo đà bước sang thập niên mới với niềm tin thắng lợi mới. Trong chuỗi thành công đó, khoa học và công nghệ (KH&CN) có những đóng góp nhất định.

Trong năm qua, rất nhiều ngành và lĩnh vực có bước bứt phá quan trọng, nhất là năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao. Đồng hành với sự phát triển đi lên của tỉnh, Sở KH&CN có những đóng góp nhất định trong quy tụ các nhà khoa học nhiệt huyết “hiến kế” giúp UBND tỉnh tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”. Bước vào kỷ nguyên mới của nông nghiệp công nghệ cao trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, Sở KH&CN đã làm tốt công tác quản lý, theo dõi triển khai các nhiệm vụ mang lại hiệu quả cao. Điển hình như kết quả đề tài “Nghiên cứu ứng dụng Bentonite và phân bón lá nano để cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng và tiết kiệm nước tưới nhằm ứng phó với tình trạng khô hạn tại Ninh Thuận và một số vùng Nam Trung Bộ” đã chế biến được phân bón chuyên dùng cho cây nho, táo, măng tây xanh và bắp. Qua triển khai mô hình điểm về ứng dụng bentonite và phân bón lá nano trong sản xuất các loại cây đặc thù của tỉnh đã giúp tăng khả năng giữ ẩm của đất, tăng khả năng trao đổi cation của đất trên 10%, tăng năng suất cây trồng từ 10-15%.

Đống chí Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN, cho biết: Hiện nay một số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học vẫn đang trong quá trình thực hiện, nhưng bước đầu đã có những đóng góp thiết thực trong việc phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến tại các khu vực nông thôn, miền núi, như: Mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt đã được các hộ chăn nuôi trong tỉnh học tập, ứng dụng, góp phần nâng số lượng đàn bò được lai tạo trên toàn tỉnh lên 43%. Mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cỏ VA06, cỏ sả lá lớn làm thức ăn cho bò đã được người dân chủ động ứng dụng, nhân rộng, phục vụ cho chăn nuôi theo quy mô trang trại. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đáng kể là mô hình ương nuôi giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa đã được bà con đặc biệt quan tâm, có nhiều hộ chủ động liên hệ với đơn vị chủ trì dự án để được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và đầu tư vốn để nuôi, vì đây là đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế rất cao.

Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố kiểm tra sâu bệnh trên mẫu lá nho NH01-152. Ảnh: T.T

Hoạt động KH&CN năm 2020 có chuyển biến theo hướng chú trọng áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Hầu hết 13 nhiệm vụ cấp quốc gia và cấp tỉnh sau khi nghiệm thu được chuyển giao cho các sở, ban, ngành đặt hàng để tổ chức ứng dụng trong thực tiễn. Theo đánh giá của giới chuyên môn, công tác chuyển giao KH&CN vào thực tiễn đã góp phần phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiêu biểu như đề tài “Bảo tồn nguồn gen nấm linh chi có nguồn gốc từ Vườn Quốc gia Phước Bình”, đã giữ nguồn gen và sản xuất thương phẩm thành công 2 loài nấm linh chi (Quế linh chi và Linh chi đỏ), bước đầu đã xây dựng mô hình trồng nấm cho 5 hộ tại xã Phước Bình (Bác Ái). Qua tính toán, với quy mô nuôi trồng 1.000 bịch có thể làm tăng thêm thu nhập trung bình 1 triệu đồng/tháng cho hộ sản xuất. Đồng thời, việc xây dựng mô hình nuôi trồng nấm linh chi hiệu quả tại xã miền núi giúp giảm áp lực sinh kế của người dân vùng ven đến tài nguyên rừng, đặc biệt đối với những người sống chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng, thiếu đất canh tác.

Dù mới được triển khai từ đầu năm 2020, nhưng đến nay Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Ninh Thuận đã đạt được những kết quả nhất định. Qua đánh giá, phân hạng của đơn vị chức năng, có 61 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 đến 4 sao và 8 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đang đề nghị Trung ương công nhận. Góp phần tạo nên thương hiệu mạnh cho các sản phẩm đặc thù của “miền nắng gió” Ninh Thuận phải kể đến vai trò của Sở KH&CN đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, đã ký kết hợp đồng triển khai 14 dự án hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp Tốt (VietGAP) tại 6 hợp tác xã và 8 tổ hợp tác của 5 huyện, thành phố trong tỉnh.

Phát huy thành quả đạt được, bước vào năm mới 2021, ngành KH&CN ưu tiên tập trung đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ thuộc Chương trình nông thôn miền núi và Chương trình nhiệm vụ cấp thiết địa phương.