Châu Phi đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch

Hơn 30 quốc gia châu Phi đã tham gia “Sáng kiến Paris-Nairobi năng lượng sạch cho châu Phi” để phát triển năng lượng tái tạo tại những nước nghèo thuộc khu vực này.

Châu Phi, hiện đang thiếu hụt năng lượng lớn, bởi vậy, châu lục này sẽ phải “đánh cược” vào năng lượng “xanh”. Bộ trưởng Sinh thái học Pháp, Nathalie Kosciusko-Morizet tuyên bố: “Châu Phi cấp thiết phải có nguồn năng lượng hiện đại, đáng tin và sạch để phục vụ cho sự phát triển khu vực. Cần phải làm cho các nhà tài trợ yên tâm và thu hút vốn đầu tư phù hợp bằng cách thực hiện các dự án có chất lượng tại châu Phi”.

Tại các nước ở Nam Phi, có tới hơn 2 tỷ người chưa được dùng điện. Do vậy, việc thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm bớt sự thiếu hụt năng lượng, hiện đang là rào cản cho quá trình phát triển của các nước châu Phi. Theo nhiều chuyên gia, tăng trưởng kinh tế của châu Phi sẽ cao hơn 2% hoặc đạt mức 3% nếu như vấn đề năng lượng được giải quyết.

Hầu hết các quốc gia châu Phi đều đang “đặt cược” vào năng lượng tái tạo và “Sáng kiến Paris-Nairobi năng lượng sạch cho châu Phi” sẽ giúp huy động các nguồn vốn để tài trợ cho các dự án thuộc lĩnh vực này tại “lục địa Đen”. Đứng đầu là Nam Phi, quốc gia hiện có rất nhiều dự án phát triển năng lượng “xanh” và dự kiến sẽ đầu tư 90 tỷ USD vào lĩnh vực này trong 20 năm tới. Khi Nam Phi đã giảm sự phụ thuộc vào than, thì cũng là lúc quốc gia này muốn tăng gấp 2 lần sản lượng điện. Dự án mới nhất của Nam Phi được đưa ra là xây dựng một nhà máy điện năng lượng Mặt Trời có công suất 5.000 MW.

Tiếp đến là các nước Bắc Phi, đặc biệt là Marốc. Các trang trại điện gió đầu tiên đã được xây dựng cách đây 10 năm tại Tétouan, phía Đông Ma-rốc. Hai trang trại điện gió khác tại Tétouan và Essaouira đã sẵn sàng đi vào sản xuất. Ma-rốc cũng đã xây dựng một nhà máy điện sử dụng khí đốt thiên nhiên và năng lượng Mặt Trời tại tỉnh Oujda, miền Đông nước này. Ngoài ra, quốc gia Bắc Phi này cũng sở hữu nhiều nhà máy điện năng lượng Mặt Trời khác tại Ouarzazate, Foum el-Oued, Boujdour và Sebkha Tah, với mục đích sản xuất 2.000 MW điện đến năm 2020, đáp ứng 18% nhu cầu điện trong nước.

Trong khi đó, nước láng giềng Angiêri cũng đã đưa ra chương trình phát triển năng lượng tái tạo. An-giê-ri đã đầu tư 300 triệu euro để xây dựng các nhà máy pin năng lượng Mặt Trời liên doanh với tập đoàn Centrotherm (Đức).

Khu vực Tây Phi có nguồn tiềm năng thuỷ điện, gió và Mặt Trời vô cùng lớn, nhưng lại chưa được khai thác một cách đầy đủ. Tiềm năng này sẽ giúp cung cấp từ 10 đến 20% sản lượng điện trong khu vực. Tình hình tại khu vực Đông Phi có vẻ khả quan hơn, U-gan-đa và Kê-ni-a ngày càng sử dụng nhiều năng lượng sạch để thay thế cho sản xuất điện từ than. Hiện nay, Kê-ni-a là nước sản xuất điện từ năng lượng gió lớn thứ 5 thế giới, nước này cũng đang thực hiện các dự án sản xuất điện từ việc sử dụng chất cặn bã của mía được đốt. Cứ 1 tấn mía sẽ sản xuất được 1 MW điện. Còn tại U-gan-đa, nhà máy thuỷ điện Bujagali của nước này đặt mục tiêu sẽ tăng gấp đôi sản lượng điện từ nay đến năm 2020. Trong khi nhiều dự án điện gió và Mặt Trời cũng đang được triển khai tại Tan-da-ni-a và Mô-dăm-bích.

Các công ty sử dụng nhiều năng lượng trong các lĩnh vực như công nghiệp sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên từ nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo của các nước châu Phi. Trên thực tế, việc tiếp cận năng lượng là vấn đề chính cho sự phát triển của “lục địa Đen”.

Tuy nhiên, theo ông Pierre Radanne, một chuyên gia về chính sách năng lượng, sự phát triển của lĩnh vực năng lượng “xanh” tại châu Phi còn rất chậm so với tiềm năng của khu vực này, do các tập đoàn quốc tế lớn ít quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, việc tư nhân hoá các công ty điện lực của châu Phi đã tác động lớn đến các nhà đầu tư.