Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ sinh học

Năm 2020, vượt qua khó khăn của dịch bệnh trên đàn gia súc, nắng hạn, ngành Chăn nuôi thành công toàn diện. Trước tình hình đồng cỏ tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, một số hộ chuyển sang áp dụng mô hình chăn nuôi bò bán thâm canh, bò vỗ béo, đầu tư trồng cỏ áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên diện tích hơn 350 ha, bổ sung thức ăn tinh, thức ăn công nghiệp và khoáng chất, lai tạo giống bò ngoại bằng thụ tinh nhân tạo để có thế hệ bò lai nuôi thương phẩm chất lượng, giá trị kinh tế cao.

Anh Lê Tấn Quý, khu phố 8, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) gầy dựng được cơ sở nuôi bò vỗ béo với tổng đàn 200 con. Theo anh Quý, để mở rộng sản xuất trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp, anh hợp đồng với nông dân trồng bắp làm thức ăn cho bò, mỗi tháng cung cấp cho thị trường 1 tấn thịt sạch, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động có thu nhập ổn định. Không riêng gì anh Quý, các hộ áp dụng mô hình nuôi bò hướng thịt tăng mạnh. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 1.078 hộ nuôi bò bán thâm canh, bò vỗ béo với tổng đàn khoảng 23.247 con. Anh Trần Danh Trí ở xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) là gương điển hình chăn nuôi giỏi, đầu tư 2,2 tỷ đồng xây khu chuồng trại khép kín có diện tích hơn 700 m2, trồng 3 ha cỏ voi áp dụng hệ thống tưới tự động nuôi bò vỗ béo với tổng đàn 90 con thuộc các giống bò lai Sind, bò vàng được đánh giá là đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nông dân tận dụng đồng cỏ tự nhiên để chăn nuôi đàn cừu. Ảnh: Anh Tùng

Nhìn lại hoạt động chăn nuôi gia súc năm 2020, điểm sáng là đã hình thành các mối liên kết theo chuỗi giá trị. Ngoài chuỗi giá trị dê, cừu mà Cơ sở dê cừu Triệu Tín đang liên kết với 20 hộ ở xã Phước Thuận (Ninh Phước), xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) thực hiện, thì mô hình liên kết nuôi heo trang trại đã trở nên phổ biến. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CJ VINA FOOD CO) liên kết chăn nuôi 50 trại heo; trong đó, 3 trại nuôi heo nái sinh sản với 5.400 nái, 47 trại nuôi heo thịt tổng đàn gần 4.000 con. Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vi sinh trong chế biến thức ăn và xử lý môi trường chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Một số trang trại áp dụng công nghệ nuôi heo khép kín, trong nhà lạnh, hạn chế tối đa dịch bệnh, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay các trang trại heo ở Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Phước đã áp dụng mô hình công nghệ xử lý chất thải bằng hầm biogas, sử dụng thu gom chất thải và tách ép thành phần hữu cơ.

Ông Trần Công Quang, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Việc triển khai ứng dựng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chăn nuôi đã từng bước nâng cao giá trị của khâu giống, năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi được nâng lên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, làm thay đổi về phương thức, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên. Thời gian tới, ngành Chăn nuôi tiếp tục triển khai chương trình ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ sinh học vào lĩnh vực cải tạo giống, nâng cao tỷ lệ bò lai, dê cừu lai. Nghiên cứu và phổ biến công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước nhằm tăng cường khả năng thu gom vật rắn của các trang trại để phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ.