Ninh Sơn:Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đảm bảo nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến

Ninh Sơn là huyện trung du miền núi, với diện tích tự nhiên 77.164,7 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 23.358 ha, chiếm 30,27%, đất lâm nghiệp 45.242,8 ha, chiếm 58,63% diện tích tự nhiên. Với diện tích lớn, có nhiều lợi thế phát triển ngành Nông nghiệp và thực tế đã chứng minh, trong nhiều năm gần đây, giá trị tăng trưởng sản xuất nông nghiệp được duy trì 6%/năm, đưa kinh tế nông nghiệp một cách bền vững, góp phần tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Ninh Sơn lxác định ngành Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực của địa phương; chính vì vậy ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Ninh Sơn đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU về tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Nghị quyết 05-NQ/HU về phát triển vùng cây ăn quả đặc sản xã Lâm Sơn gắn với phát triển du lịch sinh thái. Ngay sau khi ban hành Nghị quyết, cấp ủy, chính quyền huyện Ninh Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện và đạt được những kết quả tích cực: bước đầu đã hình thành được các vùng chuyên canh với các cây trồng chủ lực như: cây mía 2.100 ha, mỳ 3.500 ha, lúa 9.000 ha, bắp 4.800 ha, điều 1.056 ha,…; qua đó, đã đảm bảo nguyên liệu ổn định phục vụ công nghiệp chế biến nông sản. Ngành chăn nuôi có bước phát triển tập trung theo hướng trang trại, gia trại và chăn nuôi bán công nghiệp và đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ chuỗi giá trị; một số mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ - kỹ thuật, cơ giới hóa phát triển trong sản xuất, bảo quản, chế biến được áp dụng trong sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, địa phương đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng có giá trị như: phát triển 81 ha diện tích trồng nho, cải tạo và quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả đặc sản Lâm Sơn với diện tích khoảng 400 ha gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn,… góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Ngoài ra trên địa bàn huyện hiện có hơn 3.850 cơ sở hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ, qua đó đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn. Sản xuất nông nghiệp đã đóng góp quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo nguyên liệu ổn định phục vụ công nghiệp chế biến nông sản; tạo việc làm và thu nhập cho dân cư nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo đà thúc đẩy phát triển KT-XH và ổn định an ninh chính trị của địa phương. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 14,8%; trong đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản duy trì khá ổn định tăng 6%. giải quyết việc làm, giảm nghèo đạt kết quả khả quan.

Nông dân xã Mỹ Sơn thu hoạch mía. Ảnh: Văn Nỷ

Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với chương trình thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi để từng bước trở thành ngành sản xuất chính. Từng bước hình thành các vùng nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu và phát triển du lịch. Huyện cũng đã đề ra mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo nguyên liệu ổn định phục vụ công nghiệp chế biến nông sản là mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững, tạo đà cho phát triển KT-XH toàn diện.

Theo đó, Ninh Sơn tiếp tục rà soát hoàn chỉnh việc khảo sát quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp một cách cụ thể của từng địa phương, qua đó bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, đảm bảo mang tính ổn định và có hiệu quả. Trong đó chú trọng xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung đối với các cây trồng chủ lực mang tính hàng hóa đảm bảo nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật chuyển đổi giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả để sản xuất đại trà, xây dựng vùng nguyên liệu phát triển ổn định.

Vận động, hướng dẫn Nhân dân tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới để kết nối nông dân với nhau, chuyển dần phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả sang mô hình hợp tác mang tính tập thể có định hướng. Qua đó đẩy mạnh đưa cơ giới hóa, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm mục đích đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao, để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Kêu gọi thu hút và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào thu mua sản xuất, chế biến nông sản, khuyến khích liên kết với nông dân trong việc đầu tư cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho nông dân đảm bảo ổn định và phát triển.

Tiếp tục đầu tư mới, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, việc đầu tư gắn với phát triển mạng lưới giao thông nội đồng, giao thông nông thôn nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản, tiêu thụ hàng hóa của Nhân dân ngày càng tốt hơn. Trong đầu tư chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực với mục tiêu phấn đấu là bảo đảm nhu cầu lao động kỹ thuật trong nông nghiệp có chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.