Các địa phương, đơn vị tập trung khắc phục thiệt hại do mưa, lũ

Từ ngày 28-11 đến ngày 1-12, trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn, gây ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng, đường phố làm sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Để kịp thời ứng phó với tình hình trên, ngay chiều ngày 29-11, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra thực tế các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh và những địa điểm xung yếu; chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, từ ngày 28-11 đến ngày 1-12, tình hình mưa, lũ trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, gây thiệt hại cục bộ tại các vùng trũng, đường phố làm sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Để kịp thời ứng phó với tình hình mưa, lũ, ngay chiều ngày 29-11, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra thực tế hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh và các địa điểm xung yếu; chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ dân ở vùng trũng thấp có nguy cơ ngập úng, khu vực bị chia cắt và có phương án để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn; cắt cử lực lượng xung kích ứng trực, treo biển báo trên các tuyến đường giao thông, các cầu tràn qua các tuyến giao thông có nước tràn qua, không cho phương tiện lưu thông, thông báo cho Nhân dân không lưu thông qua tràn bị ngập nước lớn; không chăn thả gia súc khu vực ven suối. Các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã chủ động, khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa, lũ gây ra trên địa bàn.

Tp.Phan Rang – Tháp Chàm

Theo thống kê, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã làm cho hơn 370 ha cây trồng các loại hàng năm và lâu năm bị ngập úng; nhiều tuyến đường và khu dân cư các phường: Phước Mỹ, Thanh Sơn, Đông Hải, Phủ Hà, Tấn Tài và Đạo Long bị ngập úng cục bộ; hơn 340 nhà dân bị ngập lụt. Tại khu vực Xóm Chiếu thôn Công Thành, xã Thành Hải sau khi mưa, lũ đã rút, người dân tập trung bơm nước ra ngoài, dọn dẹp nhà cửa để ổn định cuộc sống. Anh Lê Văn Cải, vùng Xóm Chiếu thôn Công Thành, cho biết: Mưa, lũ đã làm nước ngập vào nhà khoảng gần 50 cm, nên gia đình đã chủ động di dời tài sản đến nhà người thân.

Người dân Xóm Chiếu, thôn Công Thành, xã Thành Hải dọn dẹp nhà cửa sau mưa. Ảnh: T.Mạnh

Hôm nay, tranh thủ nước rút gia đình tôi về bơm nước ra ngoài, dọn dẹp lại nhà cửa để ổn định cuộc sống. Đồng chí Hồ Như Vương, Phó Trưởng phòng Kinh tế Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết: Để khắc phục hậu quả sau mưa, lũ, UBND thành phố đã chỉ đạo các xã, phường tổ chức lắp đặt bơm chống ngập để giải quyết tình trạng ngập úng tại một số khu dân cư; huy động lực lượng thanh niên xung kích các xã, phường giúp dân những nơi bị ngập dọn dẹp nhà cửa, vận chuyển đồ đạc. Để bà con sớm khôi phục sản xuất các xã, phường cũng phân công cán bộ hướng dẫn nông dân khẩn trương khắc phục mưa, lũ, ổn định đời sống.

Thuận Bắc

Mưa lớn nhiều ngày qua đã làm ngập một số khu vực, tuyến đường và hoa màu trên địa bàn huyện Thuận Bắc. Toàn huyện có 290 ha lúa đang ở giai đoạn làm đòng bị ngập; trong đó, xã Bắc Phong 240 ha, xã Bắc Sơn 50 ha. Xã Lợi Hải bị ngập 2,5 ha măng tây xanh. Về giao thông, tuyến đường Công Hải – Phước Chiến (Tỉnh lộ 706) tiếp tục bị chia cắt tại tràn Suối Rách.

Nước tràn vào Trạm y tế xã Lợi Hải, phải dùng máy bơm để đưa nước ra ngoài. Ảnh: M.Khai

Nước tràn qua cầu Ma Trai xã Phước Chiến làm chia cắt thôn Ma Trai. Tuyến đường Phước Kháng – Suối Le hiện bị sạt lở khoảng 20m. Tại các khu vực bị sạt lở, UBND huyện đã chỉ đạo xã cử lực lượng chốt chặn không cho người dân qua lại. Hiện, mưa trên địa bàn đã giảm, chính quyền các xã cử lực lượng giúp dân vệ sinh nhà cửa, rác thải, khơi thông cống rãnh, các tuyến đường bị ngập nước để ổn định đời sống.

Ninh Hải

Sau 3 ngày mưa lớn, trên địa bàn huyện Ninh Hải đã xảy ra 1 điểm sạt lở tại đường ven biển Vĩnh Hy-Bình Tiên đoạn khu vực gần Bãi Kinh, xã Vĩnh Hải và đoạn khu vực làng Vĩnh Hy. Theo ghi nhận, đất đá từ trên núi bị sạt với khối lượng lớn xuống đường gây ách tắc giao thông và có nguy cơ tiếp tục sạt lở nếu mưa lớn tiếp tục diễn ra. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã kiến nghị lên Sở Giao thông vận tải tiến hành khắc phục để đảm bảo lưu thông, đồng thời bố trí lực lượng túc trực thông báo người dân hạn chế lưu thông qua lại khu vực này.

Nông dân thôn Mỹ Phong, xã Thanh Hải (Ninh Hải) chăm sóc cây hành sau mưa. Ảnh: Kha Hân

Tại xã Vĩnh Hải, kênh mương cấp 1 từ hồ Nước Ngọt về ao Bàu Tró bị sập 35 m; sạt lở para ngăn lũ tại thôn Mỹ Hòa khoảng 5m và đang được triển khai khắc phục. Về sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện có 69 ha lúa, 3 ha hành bị ngập. Sau khi trời ngưng mưa, địa phương đã cử cán bộ đến các khu vực bị ảnh hưởng thống kê thiệt hại ban đầu và vận động bà con chủ động khắc phục hậu quả sau mưa, lũ và có phương án chăm sóc cây trồng hợp lý để cây trồng phát triển trở lại sau mưa, lũ.

Ninh Phước

Do ảnh hưởng của mưa lớn nhiều ngày qua, hiện nay trên địa bàn huyện Ninh Phước đã có nhiều vùng sản xuất bị ngập sâu trong nước và một số khu vực nhà dân sống ven các sông bị cô lập do mưa lớn, nước sông dâng cao. Một số khu vực xảy ra tình trạng trụ điện dân sinh bị gãy, đổ, đường dây điện ngập trong nước rất nguy hiểm. Vùng sản xuất nông nghiệp xã An Hải hiện có gần 50ha cây trồng bị ngập; trong đó, rau màu các loại gần 30ha, táo 11ha, nho 6ha và cỏ chăn nuôi 3ha.

Ông Lê Văn Lợi, xã Phước Hậu (Ninh Phước) chăm sóc vườn nho sau mưa. Ảnh: Hồng Lâm

 Hiện nay, UNBD xã An Hải đã thành lập các tổ khảo sát đến từng thôn nắm bắt tình hình thiệt hại để xây dựng phương án khắc phục và hỗ trợ người dân sau lũ. Riêng khu vực từ cầu Tuấn Tú đến thôn Hòa Thạnh, nhiều diện tích rau màu và cây trồng lâu năm bị ngập từ 0,5 - 2m; trong đó, thiệt hại nặng nhất là diện tích trồng cây măng tây xanh. Hiện nay, nhiều diện tích măng tây bị ngập sâu, có nguy cơ chết yểu nếu nước không rút sớm, vì đây là cây trồng không chịu được úng. Xã Phước Hải có hơn 50ha rau màu và cây trồng lâu năm bị ngập, thiệt hại trên 70%; nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập trong nước; toàn bộ tuyến đường nội đồng bị ngập sâu từ 0,5-1,5m; gần 50 căn nhà bị cô lập, Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN xã đã chỉ đạo các lực lượng xung kích tổ chức di dời những hộ dân về nơi an toàn. Đến cuối ngày 30-11, xã đã điều động lực lượng xung kích giúp đưa bà con về nơi an toàn khoảng trên 30 hộ, do đó không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, mưa lớn, nhiều diện tích lúa bị thiệt hại nặng nề, xuất hiện sạt lở dọc tuyến sông Lu đi qua địa bàn xã Phước Hải đã ảnh hướng đến việc đi lại của người dân.

Thuận Nam

Ngay sau khi mưa, lũ đi qua, sáng ngày 1-12, nông dân ở các địa phương trên địa bàn huyện Thuận Nam khẩn trương ra đồng chăm sóc, khắc phục các diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, ổn định lại sản xuất. Những cơn mưa vừa qua, đã gây thiệt hại không nhỏ đối với một số diện tích cây trồng của bà con tại địa phương. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có hơn 381 ha lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và một số diện tích gieo vụ đông-xuân 2020-2021 sớm bị ngập úng và cuốn trôi trong đợt mưa, lũ vừa qua.

Người dân thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam) dùng bạt che chắn,
hạn chế nước tràn vào nhà. Ảnh: Ngọc Diệp

Sau khi nước rút, bà con tranh thủ ra đồng tháo nước ruộng lúa bị ngập, khai thông kênh mương. Anh Bá Thịnh Hưng, ở thôn Văn Lâm 3, chia sẻ: Gia đình hiện có 2,2 sào lúa, vừa mới gieo hơn 7 ngày, bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Ngay từ sáng sớm, tôi ra đồng bơm nước, vệ sinh lại đồng ruộng, chuẩn bị giống mới để gieo cho kịp thời vụ, hy vọng không ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Mặc dù chưa có thống kê chính xác thiệt hại về cây trồng trên địa bàn huyện Thuận Nam, nhưng có thể thấy rằng sự chủ động, khẩn trương của người dân trong việc triển khai các phương án khắc phục sẽ phần nào làm giảm thiệt hại đối với cây trồng trên địa bàn huyện.

Sau mưa nông dân xã Phước Nam (Thuận Nam) tranh thủ xuống giống để kịp thời vụ. Ảnh: H.Lâm

Đối với các tuyến đường giao thông và kênh mương nội đồng, qua thống kê cho thấy thiệt hại nặng nề nhất vẫn là xã Phước Dinh. Các tuyến đường liên thôn Từ Thiện - Vĩnh Trường và Vĩnh Trường - Sơn Hải bị hư hỏng nặng khiến thôn Vĩnh Trường bị cô lập. Huyện Thuận Nam đã đề nghị Ban Quản lý các công trình nông nghiệp sớm triển khai phương án khắc phục các điểm sạt lở, hư hỏng tại hai tuyến đường này để người dân đi lại thuận tiện.

Ninh Sơn

Xã Mỹ Sơn là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng của huyện Ninh Sơn, ngày 1-12, tranh thủ thời điểm trời ngớt mưa, người dân thôn Mỹ Hiệp, Phú Thạnh, Phú Thủy đã ra đồng tháo nước ruộng bắp bị ngập úng và dựng lại một số diện tích lúa đã bị ngã đổ. Tại một số khu vực trũng thấp ở thôn Mỹ Hiệp, người dân đã di chuyển đàn gia súc lên khu vực cao ráo để đảm bảo an toàn, giảm bớt rủi ro, thiệt hại. Bà Võ Thị Hòa, ở thôn Phú Thạnh, cho biết: Do nước từ suối đổ về cộng với lượng mưa quá lớn đã gây ngập úng hơn 1 ha bắp giống vừa mới gieo hạt của gia đình, ước thiệt hại khoảng 3 triệu đồng. Hiện gia đình đang tiến hành tháo nước, đồng thời báo thiệt hại lên hợp tác xã để được hỗ trợ giống bổ sung, kịp triển khai cánh đồng mẫu theo đúng lịch thời vụ. Cách đó không xa, bà Bo Thị Huệ, ở thôn Mỹ Hiệp cũng đã chủ động đưa đàn bò của gia đình từ khu chuồng trại bị ngập úng lên khu vực gò cao để chăm sóc.

Người dân Mỹ Sơn (Ninh Sơn) di chuyển đàn bò lên khu vực cao ráo để chăm sóc. Ảnh: A.Tuấn

Bà Huệ cho biết: Nước từ hồ Phước Trung đổ về suối Mỹ Hiệp tràn vào đồng làm ngập úng và ngã đổ hơn 2 sào lúa của gia đình. Nhiều diện tích của người dân cạnh đó cũng bị thiệt hại nặng. Theo báo cáo của UBND xã Mỹ Sơn, mưa lớn trong 2 ngày qua đã làm tuyến kênh TM10 (thuộc hệ thống kênh Tân Mỹ) đang thi công bị hỏng, gây sạt lở khoảng 1.500 m3 đất nông nghiệp. Nước cũng gây ngập úng và làm ngã đổ hơn 40 ha lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch; gây thiệt hại hoàn toàn 10 ha bắp vừa mới xuống giống của người dân. Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Trước tình hình mưa, lũ phức tạp, nhằm chủ động nắm bắt tình hình, sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, UBND huyện Ninh Sơn đã tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ cho đến kết thúc đợt mưa, lũ; đồng thời, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở để chỉ đạo phương án ứng phó, có phương án di dời dân đến khu vực an toàn.

Bác Ái

Tại huyện miền núi Bác Ái, một số khu vực xung yếu đã xảy ra tình trạng ngập lụt và sạt lở đất, nước đất tràn qua 6 cầu tràn tại các tuyến đường giao thông trên địa bàn, gây ách tắc giao thông. Cụ thể, tại cống tràn Phước Trung-Mỹ Sơn, cầu tràn suối Rua đi Ma Lâm, cầu tràn giáp ranh giữa Phước Chính-Phước Trung, cầu tràn Tà Lú 3-Núi Rây, cầu Gia Nhông đều bị ngập, có nơi nước chảy xiết không thể đi lại. Tại km 24 + 50 Tỉnh lộ 707 đường Phước Hòa-Phước Bình đã tái diễn tình trạng xói lở hàm ếch giữa lòng đường, gây khó khăn trong việc lưu thông lên xã vùng cao Phước Bình. Hệ thống lấy nước đầu nguồn Suối Lạnh, xã Phước Thành đã bị bồi lấp; một số hộ dân ở thôn Trà Co 2 cũng bị ngập cục bộ do không có hệ thống thoát nước, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân địa phương. Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và Thông báo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, huyện Bác Ái đã chỉ đạo các xã tiếp tục kiểm tra, rà soát các các khu dân cư ven sông suối, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng để có phương án sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn. Phối hợp với các lực lượng chức năng chủ động cảnh báo lũ và khắc phục sự cố mưa lũ khi thời tiết tạnh ráo để đảm bảo người dân sớm ổn định sinh hoạt và sản xuất.

Ngành Giao thông vận tải

Ngay sau khi dứt mưa, các đơn vị chức năng đã tiến hành khảo sát đánh giá mức độ thiệt hại tại các khu vực xung yếu bị hư hỏng cần khắc phục. Theo Sở Giao thông vận tải, qua kiểm tra, rà soát, đã ghi nhận thiệt hại tại 6 tuyến đường, gồm: Đường tỉnh 701, đoạn tuyến từ Km11 đến Km13 bị cát chảy tràn xuống lấp mặt đường tại nhiều vị trí, khối lượng ước tính khoảng 561 m3; tại Km29+600 và vị trí trên tuyến đoạn từ Km25 đến Km32 bị sạt lở đất, đá, khối lượng ước tính khoảng 100 m3. Mưa lớn cũng đã gây sạt lở vỉa hè và mái taluy tại lý trình Km15+150 và Km22+600, diện tích sạt lở ước tính khoảng 203 m2; hệ thống rãnh thoát nước dọc trên Đường tỉnh 701 đoạn từ Mũi Dinh đi Mũi Sừng Trâu một số đoạn bị đất, đá lấp đầy, khối lượng đất, đá ước tính khoảng 1.200 m3. Đường tỉnh 702, tại Km33+100 và Km39+250 và tại một vài vị trí đoạn từ Vĩnh Hy đi Bình Tiên cũng bị sụt, trượt đất đá xuống nền đường, khối lượng ước tính khoảng 60 m3; một số đoạn bị đất, đá lấp đầy, gây hiện tượng ứ đọng nước, khối lượng ước tính khoảng 240m3. Đường tỉnh 707 từ Ninh Sơn đi Phước Bình đã tái diễn tình trạng xói lở nền, mặt đường tại Km24+050 với kích thước rộng khoảng 5m, sâu gần 2m, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua đây. Đường Ba Tháp - Suối Le - Phước Kháng, bị sạt lở mái taluy làm đất, đá rơi xuống nền, mặt đường đoạn từ Km9+200 đến Km9+700, khối lượng ước tính khoảng 30 m3; một số đoạn rãnh thoát nước dọc và một số cống thoát nước ngang trên tuyến bị đất, đá lấp đầy, khối lượng ước tính khoảng 120 m3. Đường từ Phước Đại - Phước Trung, đoạn từ Km13+300 đến Km14+200, mưa lớn đã làm sạt lở đất, đá tràn ra mặt đường bồi lấp rãnh thoát nước, khối lượng ước tính khoảng 40m³. Đường Văn Lâm - Sơn Hải, xuất hiện nhiều rãnh xương cá trên mặt đường, một số đoạn tuyến qua thôn Văn Lâm, thôn Bàu Ngứ bị ngập úng, làm hư hỏng mặt đường. Ngoài ra, các tuyến đường khác cũng xuất hiện các hiện tượng ngập úng cục bộ, đang được các đơn vị quản lý, bảo trì tập trung xử lý. Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Giao thông vận tải cho biết: Để giao thông trên các tuyến đường luôn được thông suốt, Sở đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì, bố trí người hướng dẫn, điều tiết giao thông, khẩn trương đưa thiết bị, máy móc và nhân lực để khắc phục nhanh nhất các sự cố, nhất là các vị trí có khả năng gây tắc nghẽn giao thông; tập trung thu dọn đất, đá tràn ra mặt đường, thông cống rãnh, đắp bù phụ phần lề đất bị xói lở, đảm bảo giao thông luôn được thông suốt, an toàn, thuận lợi.