Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Bài 2: Chú trọng đào tạo theo địa chỉ

Toàn tỉnh ta hiện có 19 cơ sở đào tạo nghề, trung bình mỗi năm tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 9.000 lao động. Để đáp ứng tốt nhu cầu lao động xã hội, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã triển khai tốt nhiều giải pháp như liên kết với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, từ đó tổ chức đào tạo các ngành nghề phù hợp, nhằm tăng cơ hội cho người lao động có việc làm ngay sau khi được đào tạo.

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, công nhân Phân xưởng May Công ty Cổ phần dệt gia dụng Phong Phú, trước đây gia đình chị nằm trong diện hộ nghèo, không có công ăn việc làm, cuộc sống nhờ đi làm thuê, phải nuôi 2 con nhỏ. Năm 2013, nghe thông báo Công ty đào tạo và tuyển dụng công nhân may công nghiệp, chị làm hồ sơ tham gia. Sau 3 tháng học nghề, chị được Công ty nhận vào làm, tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề. Chị Nguyệt cho biết: Thời gian đầu vào làm việc, tôi được Công ty hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại… nên cũng đỡ phần nào trang trải cuộc sống. Giờ tay nghề tôi đã vững, thu nhập trung bình từ 6,5 -7 triệu đồng/tháng và đã thoát nghèo nhiều năm nay.

Lớp đào tạo nghề điện cho học viên tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.

Hay như gia đình anh Nguyễn Canh, thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) trước đây thuộc hộ cận nghèo, cuộc sống nhờ vào 4 sào táo và chăn nuôi nhỏ lẻ. Năm 2012, được chính quyền địa phương vận động, anh tham gia lớp đào tạo kỹ thuật nuôi trồng “3 cây, 3 con” (cây nho, táo, chuối; con heo đen, bò, dê) theo Đề án 1956. Anh Canh cho biết: Sau một năm học tập đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và áp dụng vào thực tiễn. Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật từ khâu chăm sóc cho đến thu hoạch, năng suất, chất lượng táo qua các mùa vụ cao hơn hẳn, giảm sâu bệnh, tiết kiệm cho phí sản xuất. Nhờ kiến thức được học, anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nuôi thêm dê, gà…, nhờ vậy, thu nhập, đời sống gia đình anh ngày càng được cải thiện, ổn định.

Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận: Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh những năm gần đây không chỉ đạt nhiều kết quả mà chất lượng cũng đã được nâng lên rất nhiều. Qua điều tra, riêng trong giai đoạn 2016-2020, số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng, tự tạo việc làm hoặc vận dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học để tự tạo việc làm, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh là 11.407 người đạt 83,04%, vượt 3,8% mục tiêu Đề án. Tuy nhiên, có một thực tế cần nhìn nhận đó là tính ổn định cũng như chất lượng việc làm của lao động sau đào tạo hiện nay còn chưa cao.

Lớp đào tạo sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.

Theo ông Trần Văn Trưa, 100% lao động nông thôn được đào tạo theo Đề án 1956 đều được đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng nên chất lượng đào tạo còn hạn chế dẫn đến người học sau khi tốt nghiệp có việc làm với mức thu nhập không cao, việc duy trì việc làm của người lao động vì thế cũng thiếu bền vững. Mặt khác, số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh – dịch vụ không nhiều; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề sơ cấp, ngắn hạn ít nên số lớp đào tạo “có địa chỉ tuyển dụng” còn thấp. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động ở một số địa phương còn chưa sát với thực tế, do đó việc lựa chọn ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, tổ chức lớp chưa đúng thời điểm. Kết quả, nhiều lao động sau khi đào tạo không kiếm được việc làm, lãng phí công sức, chi phí đào tạo. Còn đối với các nghề nông nghiệp, đa phần chỉ dừng ở mức bổ trợ kiến thức và kỹ năng. Học viên mặc dù biết ứng dụng vào thực tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tuy nhiên không thể xây dựng được mô hình sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị vì gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ninh Sơn cho biết: Dựa trên điều kiện thức tế, địa phương đã mở một số lớp đào tạo hướng dẫn bà con thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt được cho là phù hợp với địa phương: trồng nấm, trồng bưởi..., tuy nhiên, các đối tượng nằm trong diện học theo Đề án 1956 thuộc diện nghèo, cận nghèo... hầu như đã vay vốn ưu đãi đã từ Ngân hàng Chính sách xã hội và chưa trả hết nợ nên không đủ điều kiện vay tiếp. Nếu vay từ các ngân hàng khác buộc phải có thế chấp cũng như các điều kiện ràng buộc khác nên bà con không có khả năng hoặc không mạnh dạn vay để thực hiện mô hình sản xuất. Ngoài vốn, còn có nhiều khó khăn khác: điều kiện sản xuất, kỹ năng tìm kiếm thông tin thị trường... người học vì thế e ngại, không mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa vì sợ rủi ro cao.

-----------

Mời xem tiếp kỳ sau
Bài cuối: Cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ