Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Bài 1: Nhiều chính sách được triển khai thực hiện

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (Đề án 1956) với mục tiêu đào tạo khoảng 1 triệu người mỗi năm, giúp bà con tăng thu nhập, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp...

Tại tỉnh ta, sau 10 năm triển khai thực hiện quyết định nói trên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ngoài nâng cao đời sống cho lao động nông thôn, còn đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu thực tế, công tác này có lúc, có nơi chưa đạt kết quả như mong muốn.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh ta hiện có 347,5 nghìn lao động đang làm việc trên các lĩnh vực kinh tế, trong đó có trên 44% lao động xuất phát từ nông thôn. Qua quá trình khảo sát thực tế cho thấy, nhiều hộ gia đình rơi vào hộ nghèo là do các cặp vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập thấp. Công tác đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, xuất khẩu lao động là một yêu cầu cấp thiết, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn.

Lớp đào tạo nghề Tiện cho học viên tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: Uyên Thu

Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16-8-2011, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND về việc thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh”, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 49.980 người được đào tạo nghề; trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 41.570 người và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã 8.410 lượt người.

Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo thực hiện “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” các cấp đã chỉ đạo các ngành chức năng, tổ chức, đoàn thể cùng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, nội dung của công tác đào tạo nghề lao động nông thôn; tổ chức khảo sát nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu học nghề của người dân từng địa phương; trên cơ sở đó tham mưu cho tỉnh kế hoạch đào tạo nghề cho từng năm, với các chỉ tiêu, ngành nghề, giải pháp đào tạo phân công cho từng địa phương, ngành thực hiện phù hợp với tình hình thực tế.

Lớp đào tạo nghề điện lạnh tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.

Ngoài các giải pháp kể trên, tỉnh còn đề ra nhiều chính sách như: Định hướng học nghề, tìm kiếm việc làm trong nước, đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; hỗ trợ kinh phí cho học viên trong quá trình học tập, nhất là ưu tiên các lớp ngành nghề tiểu thủ công nghiệp làng nghề truyền thống nhằm phát huy bảo tồn văn hóa, xây dựng nông thôn mới thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân. Hình thức và phương pháp đào tạo ngày càng đa dạng theo hướng gắn với nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Đã xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả, phù hợp với thực tế phát triển kinh tế ở từng địa phương, đem lại việc làm bền vững cho người lao động.

Với các giải pháp cùng sự vào cuộc tích cực của các địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, qua 10 năm thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 35.289 người. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp hơn 23.760 người; phi nông nghiệp 11.520 người. Thông qua Đề án, đã có 3.066 lượt cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã được qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và các kỹ năng khác. Kết quả trên đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh, đạt 45,05%, tăng 19,76% so với năm 2010. Không chỉ giúp người lao động nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, thay đổi tư duy lao động sản xuất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn, Đề án 1956 còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

----------------

MỜI XEM TIẾP KỲ SAU
Bài 2: Chú trọng đào tạo theo địa chỉ