Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Ninh Phước

Giữa tháng tư, chúng tôi đã có dịp đi qua nhiều cánh đồng lúa ở Ninh Phước đang vào cuối vụ đông-xuân, thoang thoảng trong gió cảm nhận được hương lúa từ các thửa ruộng gieo sớm.

Với tổng diện tích tự nhiên 342,3 km2, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp hàng năm có gần 26.000 ha, huyện Ninh Phước đã tận dụng điều kiện vốn có, tập trung khai thác tiềm năng lợi thế, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ngày càng tăng về qui mô, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh hàng hóa nông sản trên thị trường. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lưu Nào, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Ninh Phước nói : “Nhìn lại tình hình sản xuất nông nghiệp trong nhiệm kỳ vừa qua, có thể khẳng định nông nghiệp và kinh tế nông thôn của huyện Ninh Phước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng”.

 

Nông dân huyện Ninh Phước đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Duy Anh

Giữa tháng tư, chúng tôi đã có dịp đi qua nhiều cánh đồng lúa ở Ninh Phước đang vào cuối vụ đông-xuân, thoang thoảng trong gió cảm nhận được hương lúa từ các thửa ruộng gieo sớm. Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Ninh Phước, vụ đông-xuân năm nay trong tổng diện tích gieo trồng 7.951,53 ha, có 5.476 ha lúa, 873,5 ha bắp, trong đó có 285 ha lúa giống và 40 ha bắp giống. Trong những năm qua, sản xuất cây giống trong nông nghiệp đã được Ninh Phước tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện đã hình thành vùng chuyên canh lúa giống ở các xã Phước Hậu, Phước Thuận, Phước Hữu, Phước Dân và vùng chuyên canh giống bắp lai tại các xã Phước Sơn, Phước Vinh. Đến xã Phước Hậu, một xã điển hình về sản xuất lúa giống của huyện Ninh Phước, chúng tôi ghi nhận được những kết quả đạt được đầy phấn khởi. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy xã nhận xét: “ Mô hình sản xuất lúa giống ở đây chủ yếu làm trong vụ đông-xuân với diện tích 150-200 ha đã giúp nông dân lãi gấp 1,8 lần so với lúa thương phẩm nhờ năng suất tăng và tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư”. Để mở rộng vùng chuyên canh lúa giống trong những năm tới, Phước Hậu đã tập trung tu sửa hơn 50% hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu, tạo điều kiện cơ giới hóa 100% khâu làm đất và thu hoạch (chỉ riêng khâu thu hoạch bằng cơ giới đã giúp giảm chi phí 4,5 triệu đồng/ha hàng năm).

 

Nông dân chăm sóc thuốc lá. Ảnh: Văn Miên.

Phước Vinh, một trong những xã trọng điểm về nông nghiệp của Ninh Phước, từng là vùng liên kết sản xuất mỗi năm hàng trăm ha bắp lai giống với công ty TNHH hạt giống CP Việt Nam, đang có quy hoạch mới cho vùng trồng cây bắp nhân giống. Đồng chí Mai Viết Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “ Nông dân Phước Vinh đã gieo trồng 40 ha bắp lai nhân giống, cụ thể đã ký kết hợp đồng với công ty Bioseed và công ty Giống cây trồng Miền Nam. Thông qua các HTX, các công ty cung ứng giống, đầu tư phân bón, ứng vốn, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân nên đã đem lại hiệu quả kinh tế, mỗi ha nông dân lãi bình quân trên 28 triệu đồng”. Theo hướng khôi phục lại vùng chuyên canh bắp giống, Phước Vinh thực hiện cơ chế thông thoáng kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân, đầu tư sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Phước Hữu, xã có diện tích gieo trồng vụ đông-xuân lớn nhất huyện với 1.525 ha lúa thương phẩm, tuy chỉ có 65 ha lúa giống nhưng đang cho thấy hiệu quả đem lại thiết thực. Bàn về việc làm lúa giống với chúng tôi, anh Thuận Văn Tài, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Hữu Đức (Phước Hữu) nhấn mạnh : “Làm lúa giống là hướng đi mới, vụ đông-xuân này HTX hợp đồng với Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố sản xuất 30 ha lúa giống TH6 và ML214, còn vụ hè -thu dự kiến chỉ làm 20 ha cung cấp nội bộ xã viên, do còn mới, diện tích canh tác giống chưa mở rộng nhưng theo xu hướng phát triển vùng chuyên canh giống của huyện, HTX đang có bước chuẩn bị vào cuộc”.

Trong thành tựu phát triển của Ninh Phước, ngoài sản xuất nông nghiệp, điều làm chúng tôi ấn tượng chính là các công trình hạ tầng nông thôn. Cùng với hàng loạt hồ chứa nước đang được đầu tư xây dựng, Ninh Phước đã kiên cố hóa 69 tuyến kênh mương cấp 3 với chiều dài 63,8 km; phát triển các tuyến giao thông liên xã, liên thôn, nội đồng, bê-tông hóa đường giao thông nông thôn với chiều dài 36 km. Xác định vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong cơ cấu kinh tế, nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước nhiệm kỳ 2011-2015 đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất các loại cây trồng, chú trọng tạo thương hiệu nho Ninh Phước và tập trung xây dựng mô hình nông thôn mới. Đáng chú ý là mục tiêu đến năm 2015 sẽ gieo trồng hàng năm 14.646 ha lúa, 2.340 ha bắp, trong đó có 900 ha lúa giống và 900 ha bắp giống; hình thành vùng chuyên canh lúa, lúa giống ở các xã Phước Thuận, Phước Hậu, Phước Hữu, Phước Thái và thị trấn Phước Dân; cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả ở hầu hết các xã, thị trấn phía tây QL 1A; rau đậu sạch các loại ở các xã An Hải, Phước Hải, Phước Thuận và Phước Sơn; chú trọng tạo thương hiệu nho tươi sạch và rượu vang Ninh Phước.

Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển nông nghiệp trong những năm tới, anh Thiên Nhàn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện nói: “ Dù sản xuất giống có giảm nhưng các địa phương đang tìm cách khôi phục, phát triển trở lại trong thời gian tới. Cùng với sản xuất giống, hiện nay nhiều mô hình mới đã xuất hiện như trồng rau sạch ở An Hải, trồng ổi Thái Lan ở Phước Dân, trồng táo ở Phước Thuận bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao; thương hiệu nho sạch Ba Mọi tiếp tục đứng vững trên thị trường”. Theo chúng tôi đó là những nhân tố quan trọng để Ninh Phước tạo đà thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, hướng đến mục tiêu trở thành huyện có nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển nhất tỉnh ta.