Vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước vẫn diễn ra phức tạp

Sáng 22/9, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 960/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ và tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Nội vụ.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, bí mật nhà nước là một trong những nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia. Cơ quan, tổ chức và công dân phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của an ninh thế giới và của khu vực, đặc biệt khi Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bí mật nhà nước là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch, tội phạm trong và ngoài nước thường xuyên thu thập nhằm đả kích, chống phá, Đảng và Nhà nước ta.

Thời gian qua, công tác bảo vệ bí mật của các cơ quan Đảng, nhà nước luôn được quan tâm chỉ đạo; thể chế chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước và thế giới; nhiều giải pháp quan trọng được đề ra để công tác bảo vệ bí mật nhà nước đi vào nền nếp, hiệu quả. Năm 2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 960/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực Nội vụ; đang sửa đổi, bổ sung Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Đây là những văn bản quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật ngành Nội vụ, tạo hành lang pháp lý và là cơ sở để công tác bảo vệ bí mật nhà nước nói chung và bí mật nhà nước ngành Nội vụ nói riêng từng bước đi vào nền nếp, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và đạt được những kết quả quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác bảo vệ bí mật nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn, sơ hở, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều cấp độ khác nhau, phổ biến là vi phạm khi thực hiện xác định mức độ mật; thống kê, lưu giữ, bảo quản; sao chụp tài liệu bí mật nhà nước; sử dụng máy tính và các thiết bị trong soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa bí mật nhà nước. Đặc biệt, tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước vẫn diễn ra với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng, số vụ được phát hiện gần đây năm sau đều cao hơn năm trước, trong đó nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, hải đảo… đã ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của đất nước. Những sơ hở, tồn tại trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã và đang tạo ra những nguy cơ xấu, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn khắc phục.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, tại Bộ Nội vụ, nhiều thủ trưởng đơn vị chưa thường xuyên quán triệt công tác bảo vệ bí mật nhà nước đến công chức, viên chức và người lao động, dẫn đến ý thức, trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa cao. Một số công chức, viên chức và người lao động còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật nhà nước, còn có hiện tượng thực hiện không đúng pháp luật khi lưu giữ, sao chụp, cung cấp tài liệu bí mật nhà nước cho các tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm; phổ biến thông tin bí mật nhà nước không đúng phạm vi, đối tượng sử dụng … đã trực tiếp dẫn đến những vụ lộ, lọt bí mật nhà nước thời gian gần đây. Bên cạnh đó, cũng có đơn vị còn lạm dụng việc xác định độ mật của văn bản để gây khó khăn, cản trở trong việc tiếp cận và sử dụng văn bản.

Thông tin về những điểm mới của Quyết định 960/QĐ-TTg, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, qua thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho thấy có nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm kích động người dân chống phá chính quyền, làm bất ổn tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước… Thông tin liên quan đến các đối tượng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo nói riêng. Do đó, Quyết định 960 bổ sung quy định "văn bản về các đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm lật đổ chính quyền, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia" là bí mật nhà nước độ tuyệt mật.

Quyết định cũng bổ sung nội dung "văn bản nhận xét, đánh giá, thẩm định hồ sơ liên quan đến bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác, điều động, luân chuyển đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý chưa công khai" và "báo cáo có nội dung nhận xét, đánh giá liên quan đến các đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng và an ninh xã hội" thuộc tài liệu bí mật nhà nước độ tối mật. Giảm mức độ từ tối mật xuống mật với "văn bản nhận xét, đánh giá, thẩm định hồ sơ liên quan đến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, kỷ luật, điều động, luân chuyển cán bộ thuộc diện Ban bí thư, Thủ tướng Chính phủ quản lý", "đề án địa giới hành chính về các đối tượng địa lý liên quan đến chủ quyền Việt Nam mà ngành Nội vụ đang chủ trì xây dựng chưa công bố", "đề thi tuyển dụng công chức, viên chức do các Hội đồng thi chuẩn bị khi chưa tổ chức thi".

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa An ninh chính trị nội bộ, Học viện An ninh nhân dân báo cáo về thực trạng công tác bảo vệ bí mật nhà nước thời gian qua, chia sẻ bài học kinh nghiệm thực tiễn; truyền đạt, phổ biến khái niệm, phạm vi, nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước và cập nhật những thông tin, quy định hữu ích quan trọng. Theo Đại tá Nguyễn Trung Kiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cách thức thu thập bí mật nhà nước vô cùng đa dạng, mọi cơ quan, mọi cá nhân đều phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước.

Theo TTXVN/Báo Tin tức