Hoạt động các sở, ngành, địa phương

* Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương vận động “Quỹ vì người nghèo” và triển khai xây dựng 1.109 căn nhà cho hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 13,7 tỷ đồng. Vận động nhân dân đóng góp được gần 3, 7 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa 358 nhà tình nghĩa; tặng hàng trăm sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm triệu đồng và hỗ trợ 6.529 lượt gia đình chính sách, có công cách mạng. Ngoài ra, Mặt trận các cấp vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều hình thức thiết thực như: Xoay vòng vốn tiết kiệm 48,5 tỷ đồng để giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ cho hộ nghèo vay không lấy lãi trên 3,8 tỷ đồng; giúp nhau vần đổi ngày công lao động trên 27.956 lượt... nhờ đó, góp phần từng bước cải thiện đời sống, giúp những hộ dân khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

* Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ổn định đối với gia súc có sừng chăn thả, tổng đàn gia súc ước đạt 486.000 con. Trong đó, đàn trâu 3.900 con; bò 121.200 con, heo 86.900 con (giảm 3,7%), đàn dê, cừu 273.800 con (dê 138.200 con, giảm 2,9% ; cừu 135.600 con, giảm 8%). Tổng đàn gia cầm ước đạt 1,7 triệu con, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Trong tháng tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt; không phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm cúm gia cầm, heo tai xanh. Ngành chuyên môn và các địa phương thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm, các quy định về kiểm dịch nghiêm túc.

Nông dân xã Phước Nam (Thuận Nam) chăn nuôi đàn cừu. Ảnh: Văn Nỷ

* Tính đến đầu tháng 9, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh là 2.320 tỷ đồng, tăng 146 tỷ đồng, tăng 6,72% so với cuối năm 2019. Nợ xấu ước đến cuối tháng 8 là 27,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,17% tổng dư nợ cho vay, giảm 0,02% so với tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2019. Dư nợ theo các chương trình cho vay, gồm: Hộ nghèo 290 tỷ đồng/10.990 khách hàng(KH), chiếm 12,7%; hộ cận nghèo 411 tỷ đồng/15.028 KH, chiếm 17,9%; hộ mới thoát nghèo 637 tỷ đồng/24.261 KH, chiếm 27,8%; cho vay học sinh - sinh viên 183 tỷ đồng/6.460 KH, chiếm 8%; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 138 tỷ đồng/15.083 KH, chiếm 6%; giải quyết việc làm 117 tỷ đồng/4.159 KH, chiếm 5,1%; hộ SXKD vùng khó khăn 332 tỷ đồng/10.688 KH, chiếm 14,5%; cho vay nhà ở xã hội 24 tỷ đồng/108 KH, chiếm 1%; cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi 19 tỷ đồng/412 KH, chiếm 0,8%; cho vay hộ dân tộc thiểu số 60 tỷ đồng/1.412 KH, chiếm 2,6%, các chương trình khác 16 tỷ đồng/1.505 KH, chiếm 0,7%.....