Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Hỗ trợ nông dân phát triển mô hình cây ăn quả

Với vai trò là cầu nối trong chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp nông dân thực hiện các mô hình sản xuất cây ăn quả (CAQ) có giá trị kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình.

Tỉnh ta thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng quanh nhăm; tuy nhiên, đây cũng là lợi thế để phát triển một số cây trồng đặc thù và các loại CAQ đặc sản. Theo thống kê, tổng diện tích CAQ toàn tỉnh hiện có trên 6.470 ha, chiếm khoảng 8,5% diện tích sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh. Bám sát định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp, với mục tiêu giảm tỷ trọng cây lương thực, chú trọng chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng diện tích của CAQ, cây công nghiệp và rau đậu; TTKN tỉnh đẩy chủ động phối hợp với các địa phương rà soát từng khu vực sản xuất, trên cơ sở đó lựa chọn giống CAQ có khả năng thích nghi cao để đưa vào canh tác.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả cho nông dân.

Trong tất cả các loại CAQ trồng trên địa bàn tỉnh, hiện nay nho, táo được xác định là một trong những cây trồng chủ lực, nằm trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh, được khuyến khích ưu tiên phát triển. Để tạo nên sự khác biệt, đưa 2 loại cây trồng này trở thành đặc sản mang đậm tính vùng miền ở địa phương, cùng với ngành chức năng của tỉnh, TTKN tỉnh chủ động tham mưu, đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển gắn với xây dựng thương hiệu, đảm bảo đầu ra, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu. Kết quả trên tạo đột phá mới, diện tích cây nho, táo nhanh chóng được mở rộng, tập trung chủ yếu ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, với 1.249 ha đối với cây nho, năng suất đạt 225,8 tạ/ha, sản lượng đạt trên 25.200 tấn/năm, chiếm tới 97% tổng sản lượng nho của cả nước. Diện tích táo xanh 994,4 ha, năng suất 298 tạ/ha, sản lượng đạt trên 34.880 tấn mỗi năm, với giá bán cao, thị trường tiêu thụ rộng, tạo thu nhập ổn định cho các nông hộ tham gia trồng.

Bên cạnh định hướng phát triển CAQ chủ lực, thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng, thích nghi với nắng hạn, ngoài canh tác cây trồng truyền thống, vài năm trở lại đây, một số địa phương còn vận động nông dân trồng CAQ đặc sản như: Bưởi da xanh, sầu riêng, mãng cầu, mít, măng cụt… Tuy nhiên, do trồng phân tán, việc áp dụng khoa học-kỹ thuật chưa đồng bộ, dẫn đến chất lượng và năng suất đạt thấp. Khắc phục tình trạng trên, tranh thủ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, TTKN tỉnh tập trung hỗ trợ, xây dựng nhiều mô hình trình diễn gắn với chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cho nông dân. Nổi bật như mô hình thâm canh cây măng cụt, bơ, chôm chôm, trên diện tích 10 ha ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn); thâm canh cây mãng cầu ta theo hướng VietGap 4 ha tại xã Phước Minh (Thuận Nam); cải tạo vườn tạp trồng bưởi da xanh ở xã Phước Bình (Bác Ái), xã Phước Thái, Phước Thuận, Phước Sơn (Ninh Phước) với 25 ha; ứng dụng tưới nước tiết kiệm 1,8 ha trên cây bưởi da xanh, mãng cầu ở xã Công Hải (Thuận Bắc); kỹ thuật bao chùm quả bưởi da xanh ở huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Nam 33 ha…

Hoạt động hỗ trợ của TTKN tỉnh giúp nông hộ có điều kiện tiếp cận kiến thức sản xuất mới, nâng cao thu nhập. Điển hình như hộ ông Võ Hồng Tâm, thôn Quán Thẻ 2, xã Phước Minh (Thuận Nam), từ khi tham gia mô hình trồng cây mãng cầu ta theo hướng VietGap do TTKN tỉnh triển khai trên địa bàn, giúp ông nắm bắt kỹ thuật trồng, giảm đáng kể chi phí đầu tư, với 5 sào mãng cầu, mỗi vụ cho năng suất trên 37 tạ/vụ, giá bán cao hơn so với sản xuất đại trà.

Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc TTKN tỉnh, cho biết: Thông qua chuyển đổi cây trồng đã đạt được những kết quả nhất định, xu hướng sản xuất CAQ tập trung ngày càng được quan tâm, chú trọng, mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân. Từ kết quả trên, Trung tâm tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Theo đó, khâu then chốt tập trung hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức hội nghị đầu bờ, giúp người dân tiếp cận giống mới có năng suất, chất lượng tốt thay thế giống cũ bị thoái hóa; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho một số CAQ thế mạnh, kêu gọi doanh nghiệp liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm; tăng cường lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, tạo điều kiện nhân rộng các mô hình sản xuất CAQ trên quy mô lớn.