Hiệu quả mô hình phụ nữ sản xuất nông sản “sạch”

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tích cực tuyên truyền, hỗ trợ hội viên xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo nguồn sinh kế giúp chị em vươn lên thoát nghèo.

Có dịp đến thăm vườn nho gia đình chị Phan Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) mới thấy được ý nghĩa của việc thực hiện quy trình sản xuất nho an toàn. Trước đây chị trồng 1,5 sào nho giống NH0148, mỗi năm thu hoạch khoảng 7 tấn, nhưng chất lượng thấp, khách hàng kén mua nên lãi không bao nhiêu. Sau khi được các cấp hội tuyên truyền, vận động, chị mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang hướng sản xuất nho an toàn. Với thâm niên hơn chục năm gắn bó với cây nho, đến nay khi thực hiện quy trình trồng nho sạch, chị Hương mới nhận thấy rõ giá trị của mô hình sản xuất nho theo hướng VietGAP, bởi ngoài giảm được tình trạng sâu bệnh như trước, trái nho còn to hơn, có vị ngọt thanh, kéo theo giá thành cao hơn gấp rưỡi so với phương thức sản xuất truyền thống. Hiện tại, ngoài thị trường giá nho khoảng 40 ngàn đồng/kg nhiều người chê, nhưng nho trồng theo quy trình VietGAP được HTX nho Evergreen Ninh Thuận bao tiêu thu mua với giá 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất chị thu lãi trên 55 triệu đồng/sào.

Tham gia mô hình sản xuất nho an toàn, giúp nhiều chị em vươn lên thoát nghèo.

Từ hiệu quả thực tế của bản thân, chị tự tin vận động chị em tham gia mô hình. Đến nay, chị đã thành lập 1 tổ “Sản xuất nho an toàn” theo tiêu chuẩn VietGAP với 30 thành viên, sản xuất trên 6 ha nho. Mỗi năm, chị em được tham gia các lớp tập huấn áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong chăm sóc nho, cách sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất, các thành viên thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau áp dụng các biện pháp canh tác khoa học để phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng nguyên tắc). Nhờ tham gia mô hình nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đơn cử như chị Nguyễn Thị Cẩm, vốn thuộc hộ nghèo lâu năm, đến nay đã thoát nghèo, có thêm nguồn thu ổn định nhờ trồng theo mô hình VietGAP.

Đồng chí Chamaléa Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hiện nay, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm do lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất cấm, các mặt hàng không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Để góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của hội viên phụ nữ về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, những năm qua, cùng với các ban, ngành, đoàn thể, các cấp hội phụ nữ tỉnh tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ; khuyến khích, vận động, hỗ trợ chị em xây dựng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn...Thông qua đó, nhiều chị em đã mạnh dạn tham gia sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn gắn với lợi thế của từng vùng, từng địa phương, như: Vườn rau sạch; nuôi gà sạch, heo sạch; chế biến thức ăn an toàn; mô hình “Nho sạch”, “Chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm sạch”; mô hình sản suất Măng tây sạch (xã An Hải và Xuân Hải); “Góc chợ phiên, thực phẩm an toàn” (xã Phước Tân, Phước Thắng, huyện Bác Ái);...cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh việc duy trì, nhân rộng mô hình sản xuất nông sản an toàn, đáng ghi nhận hơn cả là chị em dần hình thành thói quen thiết thực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm ô nhiễm, giảm thải ra môi trường. Đến nay, toàn tỉnh thành lập 27 CLB “Xách giỏ đi chợ - Hãnh diện của người nội trợ” (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Hải); “Không sử dụng hộp tái chế để bỏ thức ăn”; “Góc bếp điểm 10”; “Phụ nữ nói không với túi ni lông khi đi chợ”...

Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; vận động phụ nữ gắn thực hiện an toàn thực phẩm với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, nhằm chuyển đổi hành vi của hội viên phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm an toàn. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình phối hợp, hỗ trợ của Trung ương Hội để khuyến khích thành lập các mô hình sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.