Thuận Nam: Khai thác lợi thế kinh tế biển

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26-10-2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016- 2020 và những năm tiếp theo, huyện Thuận Nam đề ra nhiều giải pháp cụ thể và đã đạt được những thành tựu nổi bật.

Chỉ tính riêng năm 2019, tổng sản lượng hải sản toàn huyện đạt 75.198 tấn, trong đó, đánh bắt 71.171 tấn/58.000 tấn, nuôi trồng đạt 4.027 tấn. Diện tích thả nuôi trồng đạt 330 ha. Sản lượng sản xuất giống 1.790 triệu con. Năng lực tàu thuyền đạt 1.017 chiếc, với tổng công suất 204.903 CV. Chế biến nước mắm đạt 12,26 triệu lít; cá hấp 2.302 tấn, muối hạt 3.727 tấn. Nhiều dự án phát triển du lịch biển trên địa bàn huyện bước đầu hình thành đi vào khai thác.

Ngư dân Thuận Nam khai thác cá nục đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ

Đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu mà nghị quyết Huyện ủy đề ra về phát triển kinh tế biển, UBND huyện đã ban hành kế hoạch với nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Trong đó, về nuôi trồng, hướng người dân tới liên kết, hình thành những vùng nuôi tập trung theo chiều sâu, cung cấp nguyên liệu cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản; khuyến khích người dân áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào nuôi trồng hải sản để đẩy mạnh nuôi bán thâm canh và thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm môi trường. Huyện phấn đấu đến năm 2025 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 300 ha; sản lượng tôm nuôi đạt 4.500 tấn, sản lượng tôm post đạt 2.555 triệu con. Bên cạnh tôm thẻ chân trắng là chủ lực, sẽ phát triển thêm một số loài có lợi thế như: Tôm hùm, ốc hương, tôm sú, cây rọng sụn tạo thế cân bằng sinh học, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường.

Đối với hoạt động đánh bắt, huyện tiếp tục rà soát, bổ sung Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67, Nghị định 89 của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ khác; khuyến khích ngư dân đầu tư tàu thuyền công suất lớn, trang thiết bị hiện đại vươn khơi, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành khai thác hải sản theo hướng nâng cao hiệu quả, bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chuyển đổi 100% các hộ khai thác hải sản bằng các hình thức mang tính hủy diệt nguồn lợi trên các thủy vực nội địa sang các nghề thích hợp; 100% tàu cá hoạt động tại vùng khơi có giám sát hành trình; thành lập 1 nghiệp đoàn nghề cá. Phấn đấu đến năm 2025, tổng số tàu thuyền trên 20 CV là 750 chiếc/225.000 CV; sản lượng khai thác đạt 74.000 tấn, trong đó, khai thác xa bờ chiếm 65%.

Huyện cũng sẽ chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng nghề cá, thu hút phát triển các dịch vụ đóng sửa tàu thuyền, cung ứng nguyên liệu, thu mua sản phẩm. Từng bước tổ chức hợp tác xã sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín từ cung ứng hậu cần, khai thác, vận chuyển đến thu mua, chế biến, tiêu thụ theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần trên ngư trường; tiếp tục phát triển làng nghề nước mắm truyền thống, nghề hấp cá để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, giá trị mặt hàng chế biến thủy sản, hướng đến thị trường xuất khẩu và tạo đầu ra ổn định phục vụ hoạt động đánh bắt.

Đối với diêm nghiệp, huyện sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến muối và các sản phẩm sau muối với trang thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại, trở thành trung tâm sản xuất, chế biến muối và hóa chất từ muối gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối với công nghệ phủ bạt ô kết tinh, phương pháp trải bạt trên nền ô kết tinh, công nghệ tuyển rửa muối ngay sau thu hoạch. Từng bước đầu tư cơ giới hóa ở các đồng muối tập trung có điều kiện thực hiện.

Một góc huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Miên

Về du lịch, huyện đang tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, cải thiện về điều kiện hạ tầng giao thông tạo kết nối cao giữa các khu du lịch với các trục quốc lộ, nhất là tuyến đường ven biển Mũi Dinh - Cà Ná; tập trung phát triển loại hình nghĩ dưỡng và du lịch mạo hiểm như: Đua xe trên cát, thăm đèn hải đăng, Tanyoli dựa trên lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên (nắng, gió, đồi cát); kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để nhà đầu tư sớm triển khai dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp và thể thao mạo hiểm Mũi Dinh Ecopark trên địa bàn xã Phước Dinh...

Ngoài ra, nhằm phát huy tối đa lợi thế biển trong việc phát triển công nghiệp biển và ven biển, huyện Thuận Nam đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Trong thời gian tới, huyện phối hợp và đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná mở đường thu hút các nhà đầu tư khác, biến Cà Ná trở thành trung tâm công nghiệp ven biển của tỉnh.

Với những giải pháp mang tính chiến lược, sát với thực tiễn và sự đồng thuận cao của nhân dân, tin rằng bước vào giai đoạn mới, Thuận Nam sẽ có bước phát triển bứt phá ngoạn mục trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế biển.