Người chăn nuôi bảo vệ hiệu quả đàn gia súc trong mùa hạn

Do ảnh hưởng của hạn hán, có thể nói, đến thời điểm hiện tại nguồn thức ăn, dành cho gia súc ngoài tự nhiên trên địa bàn tỉnh gần như đã cạn kiệt. Dự báo trước tình trạng hạn kéo dài và thực hiện hướng dẫn của ngành Nông nghiệp tỉnh, từ đầu mùa hạn đến nay, người chăn nuôi tại các địa phương đã chủ động nhiều giải pháp như: Trồng cỏ, tách đàn, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, bổ sung dưỡng chất phù hợp...để bảo vệ đàn gia súc vượt qua mùa hạn một cách hiệu quả.

Xã Phước Trung là địa phương nằm trong tâm hạn của huyện Bác Ái những năm qua. Vì vậy, kinh nghiệm bảo vệ đàn gia súc của người dân nơi đây cũng được “nâng cao” theo từng mùa hạn. Trước khi vào đỉnh hạn, anh Chamaléa Hơ, thôn Rã Trên, xã Phước Trung đã chủ động bán bớt một số cừu giảm số lượng đàn của gia đình từ 70 con xuống còn khoảng 50 con để đảm bảo chất lượng đàn nuôi.

Bà Trần Thị Như Loan chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc hiệu quả.

Vào mùa hạn, với những con cừu có thể trạng yếu hoặc mới sinh sẽ được tách đàn chuyển sang nuôi nhốt. Ngoài ra, đàn bò gần 20 con cũng chuyển sang nuôi nhốt hoàn toàn. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc ngoài việc dự trữ rơm khô anh Hơ còn trồng thêm 5 sào cỏ. “Bây giờ mình chủ yếu nuôi nhốt ở nhà chứ giờ thả ra ngoài cỏ đâu mà ăn con bò con cừu nó cũng mau yếu nữa” anh Hơ cho biết. Nhờ thực hiện chủ động các phương án cho đàn gia súc nên đến thời điểm hiện nay, đàn gia súc của gia đình anh Hơ vẫn đang phát triển tốt.

Tại xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), việc chủ động tận dụng những vùng đất ven sông, suối để chuyển đổi số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi không còn mới mẻ. Bởi với kinh nghiệm “chạy hạn” cùng đàn gia súc nhiều năm thì mô hình trồng cỏ để nuôi bò vỗ béo trên địa bàn xã từng bước được hình thành và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao ngay cả trong mùa nắng hạn cho người dân nơi đây. Gia đình anh Ngô Đình Phát ở thôn Tân Hiệp, xã Hòa Sơn là một điển hình. Dự báo trước tình trạng nắng hạn kéo dài nguồn thức ăn ngoài tự nhiên không đảm bảo cung cấp cho đàn bò gần 30 con, nên từ năm 2018, gia đình anh đã giành 2 ha đất rẫy, tận dụng nguồn nước suối và sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm trồng cỏ chuyển từ nuôi bò sinh sản sang nuôi bò vỗ béo để bán. Với hình thức nuôi nhốt, cung cấp đủ thức ăn xanh và một số dưỡng chất đơn giản như mật mía, cám gạo…nên đàn bò của gia đình vẫn tăng trọng đều, không xảy ra dịch bệnh và cứ theo chu kỳ khoảng từ 4 đến 5 tháng sẽ xuất bán một lượt cho thu nhập rất ổn định. Chị Trần Thị Như Loan, vợ anh Phát cho biết: “Trước đây gia đình có làm rẫy, mùa hạn trồng cây gì cũng sợ chết khô, rồi giá cả lại bấp bênh, nuôi nhốt vỗ béo bò như thế này rất có lãi, mình chủ động nguồn thức ăn chủ yếu cỏ xanh cho nó là được, có nhiều hộ chuyển sang nuôi như nhà mình rồi”.

Được biết, tổng đàn gia súc toàn tỉnh hiện trên 424.000 con, trong đó, hơn 300.000 dê, cừu; hơn 120.000 con bò và gần 4.000 con trâu. Hầu hết, số lượng đàn chủ yếu chăn nuôi theo hình thức nhỏ, lẻ quy mô hộ gia đình. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn và chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn gia súc không bị hao hụt, phát sinh dịch bệnh. Đồng thời nhiều cách làm còn phát huy được cả hiệu quả kinh tế cho đàn vật nuôi ngay trong thời điểm hạn. Điển hình là việc chủ động chuyển một số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi theo hướng kinh doanh như một số bà con xã Hoà Sơn.