Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 36/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày một phát triển.

Thực hiện Nghị quyết số 36/2017/NQ-HĐND, ngày 17-7-2017 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 36) về huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế giai đoạn đến năm 2020, những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh được cải thiện đáng kể, nhiều công trình có quy mô lớn được đầu tư hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết an sinh xã hội.

Cầu An Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Hữu Phương

Về hạ tầng giao thông, trong giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã huy động trên 2.110 tỷ đồng đầu tư các tuyến đường giao thông; nhiều công trình có quy mô lớn đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới với hơn 87 km đường giao thông tuyến tỉnh, liên huyện và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 6 tuyến đường giao thông nội thị theo hình thức BT. Tỉnh cũng đã phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải hoàn thành trên 66 km đường giao thông thuộc dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 27 đoạn qua Ninh Thuận, góp phần nâng mật độ giao thông đến cuối năm 2019 đạt 0,42 km/km2, bằng mục tiêu nghị quyết, tạo thành mạng lưới đường bộ khá rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương và các nguồn vốn huy động khác, tỉnh cũng đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến đường giao thông đến trung tâm các xã miền núi, nâng cấp hệ thống giao thông đô thị.

Thực hiện chủ trương ưu tiên đầu tư các công trình thuỷ lợi trọng điểm theo hướng đa mục tiêu nâng cao năng lực tưới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, cung cấp nước sinh hoạt cho người, nước uống cho gia súc các vùng khô hạn và cắt lũ trong mùa mưa. Đến cuối năm 2019, tỉnh đã huy động trên 10.056 tỷ đồng đầu tư 3 hồ chứa nước với dung tích 304,2 triệu m3, nâng tổng dung tích các hồ chứa của tỉnh lên 217 triệu m3; đầu tư đồng bộ 155,2 km kênh mương cấp II, III góp phần phát huy tốt hơn hiệu quả các hồ đập sau đầu tư; tăng thêm diện tích tưới 10.418 ha, nâng tổng số diện tích được chủ động tưới đến cuối năm 2019 trên 45.000 ha, đạt tỷ lệ 53,7%, bằng 89,5% mục tiêu nghị quyết; đầu tư hoàn thành trên 3,6 km đê, kè chống sạt lở ở vùng xung yếu, ven biển, ven sông. Đồng thời đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án có quy mô lớn, dự án đê, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển. Ngoài ra, đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hồ chứa nước Sông Than, dự án hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần bảo đảm tốt hơn nguồn nước sinh hoạt, sản xuất và cải thiện mực nước ngầm phục vụ dân sinh.

Từ nguồn hỗ trợ của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Trường Tiểu học Phước Thành B đã được đầu tư
xây dựng khá khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh miền núi.

Việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cầu hạ tầng đô thị cũng được chú trọng phát triển đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững; hình thành hệ thống đô thị trung tâm nhiều cấp, phát huy thế mạnh của từng vùng để hình thành các khu đô thị tập trung, các trung tâm kinh tế có quy mô hợp lý gắn quá trình đô thị hóa nông thôn theo quy hoạch. Trong giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã huy động 6.692 tỷ đồng tập trung đầu tư hạ tầng các đô thị, nhất là các khu đô thị mới có quy mô lớn như Khu đô thị K1 (diện tích 55 ha), Khu đô thị K2 (diện tích 52 ha). Đồng thời đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng 3.055 căn hộ, nâng tổng số diện tích nhà ở xã hội có đến cuối năm 2019 lên 159.619 m2, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho CBCC, công nhân lao động và đối tượng thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2016-2019, tỉnh cũng đã huy động trên 986 tỷ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 752 phòng học, tính đến cuối năm 2019 có 105/226 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 46,5%, bằng 93% mục tiêu Nghị quyết và 18/87 trường mầm non, đạt 20,7%, vượt 3,5% mục tiêu Nghị quyết. Đến nay các xã, phường, thị trấn đều đã có trường mầm non và có từ 1 đến 2 trường tiểu học; hệ thống trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông cơ bản đáp ứng được yêu cầu; xã hội hóa về giáo dục có chuyển biến tích cực. Mạng lưới dạy nghề tiếp tục được đầu tư mở rộng theo hướng xã hội hoá, toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở dạy nghề, trong đó có 12 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập; 2 phân hiệu đại học, 2 trường Cao đẳng và 2 trường Trung cấp chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất và trang thiết bị các cơ sở dạy nghề tiếp tục được đầu tư nâng cấp với việc đầu tư hoàn thành các hạng mục mở rộng, nâng cấp Trường Cao đẳng Nghề.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã huy động trên 443 tỷ đồng tập trung đầu tư nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh lên quy mô 800 giường, trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, nâng cấp các Trạm y tế xã, các phòng khám đa khoa khu vực, đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng Bệnh viện Sài Gòn-Phan Rang, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị bệnh tại chỗ cho nhân dân. Đến cuối năm 2019 có 56 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 86,2%, bằng 95,8% mục tiêu Nghị quyết, tăng 13 xã, phường so năm 2016; có 29 giường bệnh/10.000 dân, tăng 3,6 giường so năm 2016.

Theo mục tiêu nghị quyết 36 đề ra, đến năm 2020 toàn tỉnh huy động khoảng 27-28 ngàn tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2019 tỉnh đã huy động được trên 22,2 nghìn tỷ đồng, bằng 81% mục tiêu nghị quyết đề ra. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương 4.193 tỷ đồng, nguồn vốn ODA 5.955 tỷ đồng, nguồn vốn các bộ, ngành Trung ương đầu tư trên địa bàn 5.100 tỷ đồng và các nguồn vốn khác (BT, BOT, PPP, xã hội hóa và huy động khác) đạt gần 7 ngàn tỷ đồng. Trong đó, các lĩnh vực thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế đã huy động vốn vượt mục tiêu nghị quyết.

Ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 36 của HĐND tỉnh, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện, mạng lưới giao thông được trải đều khắp các địa bàn trong tỉnh, có tính kết nối cao, bảo đảm giao thông thông suốt, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế của tỉnh; hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư đồng bộ và phát triển theo hướng đa mục tiêu phục vụ nông nghiệp, thủy sản, du lịch và bảo vệ môi trường, giải quyết cơ bản nhu cầu về nước sinh hoạt và sản xuất; hạ tầng đô thị về cấp thoát nước, vệ sinh môi trường đô thị được cải thiện rõ rệt; hạ tầng giáo dục, y tế được tăng cường đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.