Thi đua tạo động lực cho doanh nghiệp tỉnh phát triển

Thực hiện Kế hoạch số 4290/2017/KH-UBND của UBND tỉnh về phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Ninh Thuận hội nhập và phát triển” đến năm 2020, thời gian qua cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách pháp luật của Nhà nước về hoạt động DN, tạo môi trường thuận lợi cho DN hoạt động phát triển, nhất là các DN khởi nghiệp mới, ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) tỉnh nhà.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận trong giờ sản suất.Ảnh: Uyên Thu

Trên tinh thần đồng hành cùng DN, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương và ban hành các Kế hoạch, Chỉ thị, Đề án… triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các DN đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển KT-XH; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của DN. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng để DN thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh tiếp cận các nguồn lực và thị trường, phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động và phát huy mọi tiềm lực trong tỉnh kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển. Khuyến khích phát triển công nghiệp, nông nghiệp nông thôn; chú trọng phát triển DN nhỏ và vừa ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn; tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý về khởi nghiệp. Chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra các DN nhằm giảm bớt những chồng chéo, phiền hà, sách nhiễu đối với các DN; tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng đất đai, mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự… các điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hưởng ứng phong trào thi đua, các DN trong tỉnh đã đẩy mạnh thi đua đổi mới quản lý, quản trị DN, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DN cũng như từng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cụ thể; tăng doanh thu, lợi nhuận; đẩy mạnh cơ cấu lại, sắp xếp đổi mới DN nhà nước theo tiến độ và kế hoạch đề ra. Đẩy mạnh cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện tái cấu trúc và định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, tạo giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn) đầu tư thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất lao động. Ảnh: Văn Nỷ

Xây dựng và gìn giữ văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh của doanh nhân Việt Nam, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng. Đảm bảo an toàn lao động, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cao. Đồng thời chấp hành, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, chính sách tín dụng, bảo hiểm, quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường, góp sức vì cộng đồng, an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Nhờ thực hiện đồng các phong trào thi đua, năm 2019, hoạt động DN tiếp tục ổn định và có chuyển biến tích cực; trong năm có 540 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 3.720 tỷ đồng; đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao,... Hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 28.300 lao động, chiếm 35,8% lực lượng lao động trong các cơ sở kinh tế, đồng thời đóng góp khoảng 77% tổng thu ngân sách nội địa, trên 47% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và hơn 20% tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) cho địa phương. Bên cạnh đó, cộng đồng DN-doanh nhân tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, hàng năm ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho các quỹ phúc lợi nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội ở địa phương. Các DN luôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đảm bảo các chế độ cho người lao động...

Triển khai phong trào thi đua “Doanh nghiệp Ninh Thuận hội nhập và phát triển”, năm 2020, UBND tỉnh tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch toàn bộ thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tăng cường phổ biến, hướng dẫn kiến thức pháp luật để DN hiểu rõ và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh đúng luật định. Tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ ươm tạo DN khoa học và công nghệ, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định tự do sáng tạo cho DN khởi nghiệp. Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN. Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện các kế hoạch, chính sách nhằm giảm chi phí kinh doanh cho DN và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN. Cùng với đó, tỉnh cũng đề nghị các hiệp hội DN và doanh nhân tích cực hợp tác, chủ động trao đổi, phản ánh thông tin để cơ quan quản lý nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ chế thông tin hiệu quả nhằm góp phần xây dựng bộ máy nhà nước thân thiện, thực hiện tốt chủ trương chính quyền đồng hành cùng DN; đẩy mạnh phong trào thi đua, nỗ lực làm giàu văn minh, đoàn kết, hợp tác, đổi mới, sáng tạo; tuân thủ pháp luật; thực hiện đầy đủ trách nhiệm với xã hội và văn hóa kinh doanh để xây dựng đất nước và tỉnh giàu mạnh, phát triển.