Bảo hiểm y toàn dân: Đạt mục tiêu, nhưng chưa bền vững

Năm 2019, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân, công tác triển khai thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến ngày 31-12-2019, toàn tỉnh có 546.613 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,5% dân số, vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao cả năm 2019 (89%), tăng 3,5% so với năm 2018.

Tuy nhiên, trong 92,5% dân số có thẻ BHYT, số lượng người dân được Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách chiếm tỷ trọng cao, trong khi đó, các đối tượng mà mục tiêu phấn đấu, vận động tham gia BHYT vẫn nằm rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ bao phủ BHYT chiếm khá cao thuộc về các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% tiền mua thẻ BHYT (hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi…) Trong năm 2019, ngân sách tỉnh không thực hiện hỗ trợ 30% mức đóng còn lại để mua thẻ BHYT như các năm trước, mà chỉ hỗ trợ mức đóng mua thẻ BHYT cho người thuộc diện hộ cận nghèo, hộ nghèo đa chiều không thiếu hụt BHYT trên địa bàn tỉnh trích từ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh. Vì vậy, tỷ lệ nguời dân tham gia BHYT đối với hộ cận nghèo năm 2019 chỉ đạt 78,47%, giảm 21,53% so năm 2018.

Người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Trạm y tế thị trấn Phước Dân. Ảnh: T.M

Quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT toàn tỉnh thấp hơn nhiều so với các tỉnh có dân số lớn, tỉnh có nhiều cơ quan, doanh nghiệp lớn và khu công nghiệp. Lý do trên 90% dân số tham gia BHYT là người không hưởng lương, mức đóng BHYT hiện nay là 4,5% tiền lương, đối với người không có lương hoặc chưa xác định được tiền lương thì chỉ đóng 4,5% mức lương cơ sở hoặc thấp hơn. Người tham gia mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, Luật BHYT quy định phải bao gồm toàn bộ người có tên trong số hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, trong khi đó một số hộ gia đình không đủ kinh phí mua BHYT cho tất cả các thành viên cùng lúc.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chính sách BHYT và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách này trong thời gian qua mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng hiệu quả chưa cao. Việc tham gia BHYT cho người lao động ở một số đơn vị doanh nghiệp vẫn còn có tình trạng tham gia chiếu lệ, còn hiện tượng khai báo không đủ số lượng lao động, ký kết hợp đồng lao động không đúng theo thời gian sử dụng thực tế, né tránh tham gia BHYT. Công tác vận động thực hiện BHYT đối với HSSV chưa được thường xuyên, phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc mua BHYT cho con em mình, chỉ đến khi có bệnh tật xảy ra mới tham gia…

Năm 2020, Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 đề ra mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ lệ dân số tham gia BHYT, đạt 90% dân số. Nâng cao chất lượng KCB BHYT bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu KCB của ngưòi tham gia BHYT.

Để đạt được mục tiêu trên, hiện Ban chỉ đạo thực hiện lộ trình BHYT toàn dân của tỉnh đang chỉ đạo rà soát kiện toàn Ban chỉ đạo triển khai Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân các cấp; phân công cán bộ chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra bảo đảm tiến độ BHYT toàn dân trên địa bàn. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị, tổ chức và nhân dân về chính sách BHYT. Đảm bảo các điều kiện phục vụ KCB BHYT. Chỉ đạo các cơ sở KCB nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế; phát triển các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến quy định của Bộ Y tế; cải cách thủ tục hành chính ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT theo quy định, nhằm đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Quản lý tốt quỹ BHYT, kiểm soát, giám định sử dụng qũy BHYT tại các cơ sở KCB, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bệnh có thẻ BHYT. Tăng cường thực hiện các ký kết liên tịch giữa các ngành đoàn thể để thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch; chú ý công tác phối hợp triển khai ở cấp xã địa bàn dân cư, nhóm đối tượng. Thực hiện việc sơ, tổng kết, đánh giá định kỳ để rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các nội dung thực hiện phù hợp với tình hình thực tế, phấn đấu hoàn thành mục tiêu theo đúng lộ trình BHYT toàn dân mà Chính phủ, tỉnh đặt ra.