Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự toạ đàm “Gặp gỡ Ấn Độ 2020” tại Hà Nội

Ngày 9-1, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức buổi toạ đàm “Gặp gỡ Ấn Độ 2020”. Đây là dịp để các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Ấn Độ gặp gỡ, giao lưu, kết nối với các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Tham dự buổi Toạ đàm có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ngài Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Hà Nội cùng trên 200 đại biểu đại diện các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các doanh nghiệp của các địa phương, các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam; Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ và đại diện các doanh nghiệp Ấn Độ đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Về phía tỉnh ta có đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh hội kiến
với Ngài Pranay Verma - Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam. Ảnh: TT

Tại buổi Toạ đàm, các đại biểu được nghe Đại diện Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ phát biểu với chủ đề “Cơ hội đầu tư kinh doanh với Ấn Độ”; đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam giới thiệu về cơ hội và thách thức, tiềm năng, cơ chế trong hợp tác đầu tư, phát triển giữa hai nước trên các lĩnh vực: Dược phẩm, năng lượng, công nghiệp phụ trợ, xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam, công nghệ thông tin, du lịch.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, trong những năm qua, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ đã khởi sắc mạnh mẽ; kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hiện nay, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trên lĩnh vực hợp tác đầu tư, đến cuối tháng 7-2019, tổng vốn đăng ký đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam đạt 918,92 triệu USD, với 236 dự án, đứng thứ 25/132 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ cũng có quan hệ trong hợp tác phát triển, đào tạo và hợp tác trong các lĩnh vực: văn hóa, du lịch, nông nghiệp, năng lượng và khoa học- công nghệ...

Đối với tỉnh ta, trong những năm qua cũng có quan hệ hợp tác đầu tư và nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài của Ấn Độ. Cụ thể: Về hợp tác đầu tư, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 3 dự án đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo của doanh nghiệp Ấn Độ đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư gồm: Trang trại điện mặt trời SP Infra-Ninh Thuận công suất 150MWp, tổng vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng; Nhà máy Điện mặt trời Adani Phước Minh công suất 39,8MW, tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió Adani Phước Minh công suất 27,3MW, tổng vốn đầu tư 965 tỷ đồng. Về viện trợ phi chính phủ nước ngoài của Ấn Độ, tỉnh ta đã tiếp nhận 10 dự án viện trợ không hoàn lại từ Ấn Độ, bao gồm: Dự án “Phòng chống thiên tai và khám bệnh nhân đạo” do Hội Chữ thập đỏ Ấn Độ tài trợ với tổng vốn viện trợ 12.329 USD; dự án xây dựng Trung tâm Văn hoá sinh hoạt cộng đồng Chăm tại làng gốm Bàu Trúc với tổng vốn 600.000 USD và 8 dự án do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tài trợ theo chương trình phát triển bao gồm: 6 dự án xây dựng các trường tiểu học, mẫu giáo và 2 dự án xây dựng Trung tâm Sinh hoạt cộng đồng Chăm tại huyện Thuận Nam và huyện Ninh Phước với tổng vốn viện trợ 1,550 triệu USD.

Trước khi diễn ra buổi tọa đàm, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc hội kiến với Ngài Pranay Verma - Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam để giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của Ninh Thuận trong phát triển kinh tế - xã hội; thông qua Ngài Đại sứ quán, đồng chí đánh giá cao Ấn Độ đã có hợp tác đầu tư và tài trợ giúp đỡ cho Ninh Thuận trong thời gian qua; mong muốn Ấn Độ tiếp tục tài trợ vốn ODA để xây dựng các công trình và tăng cường hợp tác với Ninh Thuận trên các lĩnh vực: dược phẩm, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, khai thác tiềm năng về văn hoá Chăm để phát triển du lịch...