Kết quả triển khai thực hiện quy hoạch 3 loại rừng

Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, khai thác tài nguyên rừng có hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngày 14-12-2018, HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 23/NQ-HĐND về bổ sung một số nội dung tại Điều 1 của Nghị quyết số 43/2017/NQ-HĐND, ngày 11-12-2017 của HĐND tỉnh về quy hoạch 3 loại rừng Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025. Theo đó, diện tích quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2020 là 197.777,46 ha; trong đó, rừng đặc dụng 41.695,46 ha, rừng phòng hộ 116.172 ha, rừng sản xuất 39.910 ha.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đạt được nhiều kết quả, những tồn tại trước đây cơ bản đã được giải quyết. Sau khi có Nghị quyết về quy hoạch 3 loại rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông đã tiến hành công bố rộng rãi, bàn giao hồ sơ, tài liệu cho các ngành liên quan, các địa phương theo đúng quy định; đồng thời, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiến hành bàn giao thực địa hiện trạng quản lý rừng và đất lâm nghiệp cho chủ rừng, các tổ chức, UBND các xã trên địa bàn quản lý. Đối với diện tích đất nông nghiệp điều chỉnh ra ngoài 3 loại đất rừng là 4.118,66 ha, đã hoàn thành bàn giao thực địa trên địa bàn huyện Ninh Sơn với diện tích 1.124,73 ha để tổ chức sản xuất, diện tích còn lại dự kiến bàn giao vào cuối năm nay. Đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư 2.318,81 ha cũng đã được bàn giao cho chủ thể quản lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc triển khai tổ chức cắm mốc ranh giới quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Đến nay, có 4 đơn vị chủ rừng đã hoàn thành việc cắm mốc ranh giới, 5 đơn vị còn lại đang tích cực triển khai cắm mốc với tinh thần khẩn trương.

Riêng công tác quản lý nương rẫy của người dân (chủ yếu là đồng bào Raglai) xen kẽ trong 3 loại rừng với diện tích 17.152,73 ha, Chi cục Kiểm lâm đã hoàn chỉnh các bộ hồ sơ tới từng hộ gia đình để thực hiện trồng rừng kết hợp với phát triển sinh kế dưới tán rừng; đồng thời, đóng 170 bảng cấm quản lý rừng, nên đã ngăn chặn được tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng. Để nâng cao độ che phủ rừng đạt tỷ lệ 42,34%, ngành Nông nghiệp triển khai Dự án điều tra, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng đưa vào quản lý bảo vệ đối với diện tích trong quy hoạch đảm bảo tiêu chí rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Thực hiện trồng rừng mới 662 ha; chăm sóc rừng trồng phòng hộ, rừng đặc dụng hơn 1.658 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 4.292 ha; giao khoán bảo vệ rừng 60.888 ha.

Đồng chí Dương Đình Sơn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Việc triển khai thực hiện quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025 được ngành chức năng, các địa phương thực hiện nghiêm tức, đạt hiệu quả và đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra. Đến nay, tất cả các loại rừng đã được xác lập ranh giới và bàn giao hồ sơ thực địa cho chủ quản lý. Từ việc thực hiện tốt công tác giao khoán bảo vệ rừng đúng đối tượng, triển khai nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững phát triển kinh tế miền núi gắn với nhiệm vụ bảo vệ rừng đã góp phần tạo thêm việc làm, mở rộng phương thức sản xuất để xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, các đơn vị chủ rừng đang tiếp tục duy trì mô hình nông-lâm kết hợp, trồng 530 ha cây ăn quả xen cây lâm nghiệp, kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng 879 con bò, 62 con heo địa phương, 215 con dê, cừu. Giai đoạn 2016-2020 có 305 hộ sinh sống ven rừng được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng để thực hiện các mô hình sinh kế; tạo điều kiện cho 37 hộ nghèo tham gia các hoạt động du lịch sinh thái có thu nhập ổn định. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tăng cường phối hợp với các cơ quan, địa phương trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân. Tiếp tục rà soát, bổ sung, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân địa phương.