Đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam trả lời phỏng vấn Báo Ninh Thuận:

Tiếp tục phấn đấu đưa Thuận Nam ngày càng phát triển, trở thành vùng trọng điểm công nghiệp phía Nam của tỉnh

Nhân kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập huyện Thuận Nam (1/10/2009 - 1/10/2019), phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam về những thành tựu đạt được qua 10 xây dựng và phát triển của huyện nhà; bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, lãnh đạo và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới.

* Phóng viên: Huyện Thuận Nam được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1-10-2009 theo Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ. Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của huyện từ ngày tái lập đến nay?

 - Đồng chí Lê Huyền: Cách đây 10 năm, huyện Thuận Nam được thành lập trong điều kiện còn nhiều khó khăn về mọi mặt. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trong huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó vươn lên; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, các nguồn lực trong và ngoài tỉnh; nhận diện và từng bước khai thác hiệu quả các tiềm năng, phát huy lợi thế để xây dựng nền KT-XH của huyện từng bước ổn định và phát triển. Đến nay, sau 10 năm xây dựng và phát triển, về kinh tế, cơ bản vượt qua khó khăn, thách thức; một số lĩnh vực có sự thay đổi mạnh mẽ, tốc độ kinh tế qua từng giai đoạn có bước tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đến năm 2019 tăng 20,8 % so với năm 2010; khu vực dịch vụ tăng 6,6% so với năm 2010 và giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 27,4% so với năm 2010. Trong đó, về thủy sản có bước phát triển mạnh và giữ vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, giá trị sản xuất toàn ngành bình quân giai đoạn 2016-2019 ước đạt 3.293,5 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,1%, gấp 1,4 lần giai đoạn 2011-2015.

Ngư dân Thuận Nam khai thác hải sản đạt sản lượng cao.Ảnh: Văn Nỷ

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi đồng bộ, với tổng kinh phí hơn 117,4 tỷ đồng. Tổng diện tích gieo trồng năm 2019 ước đạt 5.500 ha, tăng 17,6% so năm 2010; tổng sản lượng lương thực ước đạt 21.941 tấn, tăng 72,6% so năm 2010. Chăn nuôi phát triển, từng bước trở thành ngành sản xuất chính và có tốc độ tăng trưởng khá cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều nông hộ. Tổng đàn gia súc năm 2019 ước đạt 100.000 con, tăng 67,6% so năm 2010, chất lượng được cải thiện theo hướng sản xuất hàng hóa. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Phước Nam, Cà Ná và Phước Diêm); xã Phước Ninh phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm 2019; bình quân các xã đạt 16 tiêu chí, không còn xã dưới 10 tiêu chí, góp phần đưa huyện về đích trước 1 năm so với nghị quyết của huyện ủy đề ra. Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng được đầu tư phát triển và từng bước chuyển dịch đúng hướng: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đến năm 2019 ước đạt 2.744 tỷ đồng, chiếm gần 39% tổng giá trị các ngành sản xuất; tốc độ tăng trưởng bình quân 19,7%/năm.

Trang trại điện mặt trời Gelex Ninh Thuận đầu tư tại xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Thực hiện định hướng phát triển huyện Thuận Nam thành vùng động lực về công nghiệp của tỉnh, những năm qua, huyện đã tiến hành quy hoạch và xây dựng trên địa bàn Khu công nghiệp Phước Nam và Cà Ná, Cụm công nghiệp Hiếu Thiện; tỷ trọng ngành công nghiệp tăng dần qua từng năm (năm 2010 đạt 5,6%, đến năm 2019 tăng lên 11,8%)... Đặc biệt đã tích cực phối hợp triển khai một số dự án lớn về năng lượng tái tạo, đến nay Dự án Điện gió Mũi Dinh, Điện mặt trời Bim và Điện mặt trời Nhị Hà đã khánh thành phát điện hòa chung vào lưới điện quốc gia. Công tác thu ngân sách qua các năm đều đạt, vượt chỉ tiêu được giao; tổng thu ngân sách trên địa bàn 10 năm (2009-2019) hơn 298,5 tỷ đồng, vượt dự toán tỉnh giao 129%, huyện giao 123%, mức tăng thu bình quân hằng năm 23,2%...

Về văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển khá toàn diện, chất lượng giáo dục được nâng lên; cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hóa và chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn huyện có 10 trường đạt chuẩn quốc gia; 8/8 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ và phổ cập THCS, duy trì huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS từ năm 2010 đến nay; tổ chức triển khai thực hiện tốt việc sáp nhập các trường liên cấp trên địa bàn huyện.

Thầy và trò Trường THCS-THPT Đặng Chí Thanh, Cà Ná (Thuận Nam) thực hành môn tin học
góp phần nâng cao chất lượng dạy học . Ảnh: Văn Nỷ

Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, phòng, chống các loại dịch bệnh, góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Các chính sách người có công và công tác bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo (giai đoạn 2011-2015) từ 13,79% giảm còn 7,3%; giai đoạn 2016-2020 từ 16,84% giảm còn 9,21% vào đầu năm 2019; bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 1,6 - 2%. Công tác an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn được giữ vững, ổn định. Bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai đồng bộ, nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

* Phóng viên: Từ những thành tựu đạt được qua 10 xây dựng và phát triển, để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của huyện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, theo đồng chí huyện Thuận Nam cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới?

- Đồng chí Lê Huyền: Trong thời gian tới, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy lợi thế vùng trọng điểm công nghiệp của tỉnh để phát triển KT-XH nhanh và bền vững; khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện với trọng tâm là phát triển kinh tế biển gắn với các hoạt động dịch vụ - du lịch, công nghiệp năng lượng, chăn nuôi và chế biến nông, thủy sản; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân liên hoàn vững chắc. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu các tổ chức cơ sở đảng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập huyện, với truyền thống quê hương Anh hùng lực lượng vũ trang cùng những thành tựu và kinh nghiệm tích lũy được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Nam sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực và tiềm năng sẵn có, quyết tâm phấn đấu “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững theo hướng xác định kinh tế biển là động lực, công nghiệp năng lượng là thế mạnh. Tập trung quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh; phấn đấu xây dựng Thuận Nam trở thành huyện trọng điểm công nghiệp phía Nam của tỉnh, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!