Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

Thời gian qua, việc ứng dụng những tiến bộ về công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính.

Xác định rõ vai trò quan trọng của việc phát triển CNTT trong giai đoạn hiện nay, chính quyền các cấp trong tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ CCHC, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Cán bộ, công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Ảnh: V.M

Đến nay, 100%  cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và cấp xã đã có mạng nội bộ (LAN); 18 sở, ban, ngành và 7 huyện, thành phố đã kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh thông qua mạng truyền số dữ liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước phục vụ truy cập internet và các phần mềm dùng chung tại cơ quan, đơn vị. Tuyến cáp quang kết nối internet đã kết nối 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên toàn tỉnh. Ngoài ra, hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hỗ trợ vào năm 2014 đến nay hoạt động rất hiệu quả, giúp cho tỉnh triển khai một cách đồng bộ, tập trung nhiều phần mềm dùng chung cho các cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống mạng, máy chủ và thiết bị lưu trữ tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu đang được đầu tư theo hướng tập trung, cơ bản đủ cung cấp tất cả các dịch vụ cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và UBND cấp xã, bảo đảm vấn đề bảo mật, an toàn an ninh thông tin cho toàn bộ hệ thống.

Cùng với đó, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đã có nhiều chuyển biến rất rõ nét, đặc biệt là đã xây dựng và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Ninh Thuận có cung cấp giao diện cho thiết bị di động. Đến nay, đã cung cấp 1.658 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, đạt 100% số thủ tục hành chính đối với cơ quan hành chính cấp tỉnh và cấp huyện để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng. Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành việc mở rộng liên thông hệ thống một cửa điện tử cho tất cả các cơ quan nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện, liên thông hệ thống một cửa điện tử với hệ chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc trong quá trình giải quyết hồ sơ. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành cập nhật, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến đạt 11.736 hồ sơ.

Cán bộ huyện Thuận Nam ứng dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc
góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính. Ảnh: Văn Nỷ

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh đã triển khai thực hiện Hệ thống một cửa hiện đại tại 8 cơ quan, gồm có Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) và UBND 7 huyện, thành phố. Đặc biệt, việc đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh vào hoạt động với trang thiết bị CNTT hiện đại đã giúp cho các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính được đơn giản, dễ dàng, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước điều hành hoạt động một cách khoa học, tăng cường tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính. Song song đó, việc ứng dụng quản lý văn bản và điều hành, gửi nhận văn bản điện tử trong các cơ quan nhà nước đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cách thức làm việc của các cơ quan hành chính. Hiện nay, Sở TT&TT đã cấp các hộp thư điện tử với tên miền ninhthuan.gov.vn cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đảng, đoàn thể và các cán bộ công chức, viên chức của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã. Các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tăng cường việc trao đổi, gửi nhận qua thư điện tử các loại văn bản dự thảo, báo cáo, góp ý dự thảo, giấy mời… Đáng chú ý, theo đánh giá của Bộ Nội vụ về chỉ số CCHC năm 2018 thì các tiêu chí về Cổng thông tin điện tử của tỉnh đều tăng so với năm 2017 gồm: tính kịp thời của thông tin; mức độ đầy đủ của thông tin; mức độ thuận tiện trong việc truy cập, khai thác thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Đồng chí Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Theo bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông Việt Nam năm 2019, tỉnh đứng vị trí 14/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 7 bậc so với kết quả năm 2018. Đây là kết quả đáng khích lệ trong việc ứng dụng CNTT trong CCHC trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng trang thiết bị CNTT cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch; nâng cấp, phát triển các phần mềm dùng chung hiện có đảm bảo tính liên thông nghiệp vụ theo Kiến trúc Chính quyền điện tử; đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của mô hình chính quyền điện tử tỉnh; tăng cường công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin, đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp.