Tháng Hành động vì trẻ em năm 2019: Phòng ngừa đuối nước trẻ em - chuyện của cả cộng đồng

Đuối nước ở trẻ em luôn là vấn đề "nóng" mỗi dịp hè. Theo các nhà quản lý, để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ, cần có những giải pháp tổng thể từ gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội để trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em.

Cần nâng cao nhận thức về tai nạn sông nước cho trẻ và cho cả người lớn

Mỗi năm, khi mùa hè đến cũng là thời điểm các trường hợp đuối nước lại xảy ra với trẻ em và để lại nỗi đau đối với gia đình và cộng đồng. Mới đây là vụ 8 học sinh đuối nước trên sông Đà (Hòa Bình), một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự quan tâm của bậc cha mẹ, nhà trường và toàn thể xã hội đối với việc phát triển kỹ năng bơi ở trẻ.

Ảnh minh họa.

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em, vị thành niên tại Việt Nam. Mỗi năm vẫn có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng nguyên nhân chính chủ yếu do trẻ không biết bơi hoặc thiếu các kỹ năng, kiến thức về phòng tránh tai nạn đuối nước.

Tuy nhiên, có một thực tế, không chỉ có trẻ chưa biết bơi gặp nạn mà trẻ biết bơi vẫn có thể tử vong. Lý do là do chơi đùa lâu bị kiệt sức, do trẻ thiếu kinh nghiệm ứng phó khi tiếp xúc vùng nước thay đổi nhiệt độ lạnh đột ngột, nước sâu, khu vực nguy hiểm bị sóng cuốn... Vì vậy, dạy bơi cho học sinh là một chuyện, cần phải dạy cho trẻ cả những kỹ năng xử lý tình huống cho chính bản thân và tập thể.

Ngoài ra, để xảy ra tình trạng chết đuối còn do sự bất cẩn của người lớn và sự thờ ơ, chưa nhìn nhận đúng nguy cơ, sự nguy hiểm từ phía cộng đồng. Thực tế cho thấy việc trẻ rủ nhau bơi lội, chơi đùa dưới nước hoặc gần nơi có ao hồ diễn ra mọi nơi, một việc tiềm ẩn rủi ro nhưng chưa được sự quan tâm đúng mức của cộng đồng. Nhìn thấy trẻ tụ tập tắm, chơi đùa gần nguồn nước nguy hiểm mà không có người lớn giám sát, nhiều người vẫn cho rằng không phải việc của mình. Ngoài ra, nhiều nơi nước sâu, nguy hiểm chết người chưa được cảnh báo.

Vì vậy, bên cạnh việc cho trẻ học bơi, cần nâng cao nhận thức về tai nạn sông nước cho trẻ và cho cả người lớn. Phòng hậu quả đuối nước là chuyện của cả cộng đồng.

Khẩn trương vào cuộc

Trước thực trạng đau lòng về tỷ lệ trẻ em tử vong vì đuối nước không có dấu hiệu thuyên giảm trong những năm qua, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành và các địa phương đã khẩn trương vào cuộc.

Tại Hà Nội, số lượng bể bơi được xây dựng và lắp ghép trong các nhà trường ở Hà Nội đã tăng lên đáng kể. Năm 2016, Hà Nội có 98 bể bơi trường học, đến năm 2018 đã nâng tổng số lên 250 bể. Số lượng học sinh biết bơi và được cấp chứng chỉ trên toàn thành phố tăng nhanh. Năm 2017, các đơn vị liên quan đã tổ chức dạy bơi cho hơn 103.000 học sinh, với tỷ lệ biết bơi đạt hơn 90%. Năm 2018, có hơn 240.000 học sinh được dạy bơi, tỷ lệ biết bơi đạt hơn 94%...

Tại Đà Nẵng, Sở Văn hóa và Thể thao đã liên kết đầu tư 6 bể bơi tại các trường theo phương thức thỏa thuận với phụ huynh mức kinh phí học bơi không quá 200.000 đồng/12 buổi học; đầu tư nhiều bể bơi di động...; phát động phong trào dạy bơi cho học sinh trong dịp hè, tổ chức Giải bơi thanh thiếu niên TP Đà Nẵng.

Tại An Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục đưa môn bơi lội vào dạy học chính khóa (phần thể thao tự chọn) và ngoại khóa, được tổ chức thí điểm ở các trường thuộc TP Long Xuyên và một số đơn vị có điều kiện; có chính sách miễn, giảm giá vé tập bơi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học bơi.

TP Hồ Chí Minh cũng chú trọng nhiều hơn vào việc gây dựng tình yêu với môn bơi lội cho các em nhỏ, thông qua việc phát động cuộc thi sáng tác tranh về bơi lội, thiết kế gameshow đơn giản ở dưới nước để các em vừa thi, vừa chơi và học bơi...

Tại Hòa Bình, Hội đồng Đội thành phố Hòa Bình đã xây dựng văn bản về tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh dịp hè triển khai tới các xã, phường và các trường học trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm phát triển tài năng Supperkids tổ chức các hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn cán bộ giáo viên nhân viên, các bậc phụ huynh và các em học sinh trong nhà trường các kiến thức về phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em.

Tại Quảng Ninh, thị xã Đông Triều là địa phương được xem là mô hình điểm trong việc triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước. Ngay từ năm 2016, Đông Triều đã tổ chức Lễ phát động “Bể bơi cho em”, tại lễ phát động, thị xã đã huy động được trên 7 tỷ đồng, lắp đặt 21 bể bơi thông minh, có mái che tại 21 trường học ở các xã, phường. Đến nay đã dạy bơi miễn phí cho trên 6.000 cháu. Đầu tháng 5-2019, Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh, UBND thị xã Đông Triều tổ chức lớp tập huấn cho hướng dẫn viên triển khai thí điểm tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, với sự tham gia của trên 100 giáo viên các trường Tiểu học, THCS, cán bộ công chức văn hóa xã hội, Đoàn Thanh niên 21 xã, phường trên địa bàn thị xã và một số trường THPT trong tỉnh. Tháng 7 tới, Đông Triều cũng sẽ tổ chức hội thi bơi an toàn và phòng, chống đuối nước cho khoảng 500 học sinh tham gia…

Theo TTXVN