Trò chuyện với nhân chứng vụ thảm sát Ấp Nam

(NTO) Vào cuối tháng 3 vừa qua, tại xã An Hải, UBND huyện Ninh Phước đã trang trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với sự kiện thảm sát Ấp Nam, năm 1947.

Đây là sự tôn vinh địa danh và khẳng định những giá trị lịch sử cách mạng của ấp Nam, vùng đất đau thương, mất mát mà ngày nay hầu như đã xóa tên khỏi bản đồ địa phương. Trong số những người dân và khách mời dự buổi lễ, có một nhân vật đặc biệt gây chú ý, được coi là nhân chứng sống trong ngày xảy ra cuộc thảm sát kinh hoàng ấy. Đó là cụ Nguyễn Văn Thọ, 85 tuổi đời, 54 tuổi Đảng, cán bộ hưu trí cư trú tại khu phố 4, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm).

“Cho đến nay, dù đã gần 72 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh bi thảm của vụ bắn giết ngày ấy vẫn đọng trong ký ức của tôi”- cụ Nguyễn Văn Thọ buồn bã nói. Ngày 14-9-1947 (nhằm ngày 30-7-1947 âm lịch), khoảng 7-8 giờ sáng, giặc Pháp đi càn, bao vây và bắn giết dã man 108 người dân vô tội đang có mặt trong ấp. Bấy giờ cụ Nguyễn Văn Thọ mới 13 tuổi, sáng sớm hôm đó cùng các bạn đồng lứa rủ nhau ra khỏi làng để chăn thả bò, dê. Khi lên động cát cho gia súc ăn, nhìn 3 phía bắc, đông, nam đều có giặc Pháp nên cụ cùng bạn lùa gia súc quay về hướng Từ Tâm (xã Phước Hải). Đi đến chân động cát Hòa Thủy, gặp giặc Pháp, bị chặn lại hỏi nơi ở. Cụ và các bạn đều hoảng sợ, may sao có ông thông ngôn người Việt tốt bụng, nhắc nhỏ: “Đừng nói tên Ấp Nam mà hãy bảo là ở Từ Tâm”. Nghe vậy mọi người đều chỉ tay về phía Từ Tâm, bọn Pháp hạ súng xuống, phất tay cho đi.

Cụ Nguyễn Văn Thọ đang kiểm tra lại tài liệu về sự kiện thảm sát người dân vô tội Ấp Nam.

Cụ Nguyễn Văn Thọ nhớ lại, đang cùng các bạn mừng vì thoát chết, thì một lúc sau nghe tiếng súng nổ hàng loạt và thấy lửa cháy đỏ ngọn, khói đen cuồn cuộn bốc lên từ phía làng. Cụ bèn chạy về để xem chuyện gì xảy ra. Bước vào xóm, cụ nhìn thấy hai bên đường xác người chết nằm ngổn ngang trong tư thế chân tay co vấp, da thịt nứt nẻ, áo quần cháy sạch. Nhà cửa bị bọn Pháp đốt phá tan hoang. Tại nhà, mẹ cụ nằm chết ngoài sân, chị của cụ cũng bị chết thiêu bên trong nhà đang cháy. Trong số người thân, có em gái ruột của cụ vẫn còn sống, bị thương ở đùi trái. Đợi bọn Pháp rút đi, cụ chạy đi báo du kích ở Từ Tâm đến cứu giúp.

Sinh ra và lớn lên ngay tại Ấp Nam, xã An Hải, cụ Nguyễn Văn Thọ tham gia cách mạng năm 1948, tức một năm sau ngày xảy ra sự kiện thảm sát trên. Năm 1954, cụ tập kết ra Bắc và được học ở Trường học sinh Miền Nam, sau ngày giải phóng, cụ về lại tỉnh nhà làm quản đốc Xí nghiệp nước đá Bửu Sơn cho đến khi nghỉ hưu. Đồng lứa với cụ, nhiều người Ấp Nam đã tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ấp Nam bây giờ chỉ còn vết tích là nền ngôi chùa ở vùng đất rẫy thuộc xã Phước Hải, cách thôn Nam Cương (xã An Hải) khoảng hơn 1,5 km về phía tây bắc. Dù thời gian đã qua lâu, cụ Nguyễn Văn Thọ vẫn nhớ rõ lý do xảy ra sự kiện thảm sát trên. Trước đó vài ngày, Thực dân Pháp nhiều lần yêu cầu toàn bộ dân phải rời khỏi làng vì cho rằng Ấp Nam là nơi chứa chấp du kích. Chúng cảnh cáo sẽ bắn giết bất cứ người nào nếu không chấp hành và chúng đã thực hiện.

Sự kiện thảm sát người dân vô tội ấp Nam đã để lại nỗi đau thương vô hạn. Là người con của quê hương Ấp Nam, trực tiếp tai nghe, mắt thấy những gì xảy ra, cụ Nguyễn Văn Thọ đề xuất các cơ quan chức năng, địa phương chú ý đặt Bia tưởng niệm đúng vị trí của làng xưa. Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, nhắc lại dấu ấn lịch sử một thời của vùng đất chỉ còn là hoài niệm, cụ ước mong thế hệ con cháu sẽ được giáo dục truyền thống, tiếp tục nối bước cha ông, đóng góp tài năng, trí tuệ xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp.