Ngành Y tế 27 năm trưởng thành

(NTO) 27 năm sau ngày tái lập tỉnh (tháng 4-1992), ngành Y tế tỉnh nhà ngày càng trưởng thành và có những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, tạo được niềm tin với Đảng, với nhân dân.

Một ngày đầu tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Trạm y tế vùng cao Phước Trung (Bác Ái). Cùng với sự phát triển về kinh tế, diện mạo vùng quê cũng như đời sống của bà con đã đổi thịt thay da; công tác y tế cũng có nhiều bước tiến nổi bật. Bác sĩ Đào Chế Quốc Phúc, Trưởng Trạm y tế xã phấn khởi: Thời gian đầu tái lập tỉnh, Phước Trung vẫn còn là địa phương gần như trắng về y tế. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trạm đã được đầu tư xây dựng với cơ sở vật chất khá đồng bộ, gồm 15 phòng chức năng có các trang thiết bị như máy siêu âm, máy điện tim, bộ ghế nha khoa, các y dụng cụ khác…

Cán bộ Trạm Y tế xã Phước Trung (Bác Ái) khám bệnh cho người dân. Ảnh: V.Miên

Về nhân lực, trạm có 6 cán bộ, ngoài ra còn có 4 cô đỡ thôn bản, kiêm y tế thôn, 15 cộng tác viên dân số, công tác viên dinh dưỡng hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho bà con trong phòng chống dịch, chăm lo sức khỏe. Bà con mình ngày càng nhận thức cao hơn, hễ bị bệnh là tới trạm khám để lấy thuốc về uống; phụ nữ có thai chuyển dạ là đến trạm để sinh con… nên những năm qua, tình hình dịch bệnh ở địa phương luôn được kiểm soát tốt, không có ca tai biến sản khoa.”

Còn nhớ thời gian đầu tái lập tỉnh, ngành Y tế tỉnh nhà đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp tích cực từ phía các ban, ngành, đoàn thể, 27 năm qua, ngành Y tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm lo sức khỏe nhân dân. Trên các lĩnh vực, từ phát triển mạng lưới, y tế dự phòng, khám chữa bệnh đều có sự tiến bộ vượt bậc. Năm 1992, toàn tỉnh có 52 trạm y tế, không trạm nào có bác sĩ, chỉ có 48 trạm có y sĩ. Có 3 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ninh Hải, Bệnh viện Ninh Phước. Toàn tỉnh chỉ có 74 bác sĩ, ứng với 1,7 bác sĩ/vạn dân… Thông qua các giải pháp huy động từ nhiều nguồn lực để củng cố, mở rộng mạng lưới, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực… Hiện nay toàn tỉnh có 46 trạm có bác sĩ; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 78,5%; tỷ lệ bác sĩ đạt 7,8 bác sĩ/vạn dân…

 

Trung tâm y tế Thuận Nam đầu cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng
khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Ảnh: Văn Nỷ

Đặc biệt, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ra Quyết định sắp xếp lại các phòng chức năng thuộc Sở, các phòng của các đơn vị trực thuộc; sát nhập, hợp nhất một số đơn vị; giải thể một số Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thuộc Trung tâm y tế các huyện, thành phố và giao Trung tâm y tế huyện, thành phố đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ của các trạm y tế xã, phường đã giải thể, nhờ đó bộ máy tổ chức được được sắp xếp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện và các phòng khám khu vực, đến nay toàn tỉnh có thêm 4 bệnh viện chuyên khoa công lập tuyến tỉnh: Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chuyên khoa Da liễu - Tâm thần.

Nhờ mạng lưới y tế phát triển rộng khắp, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, nguồn nhân lực không ngừng được tăng cường đã tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả y tế dự phòng và chất lượng khám điều trị ở các tuyến. Nhiều dịch bệnh thường xảy ra đã được khống chế, đẩy lùi. Từ năm 2000 không còn ca bệnh thương hàn; bệnh sốt rét được khống chế, những năm qua không có ca tử vong do sốt rét; từ năm 2005 không còn có dịch tả; tỉnh được công nhận loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Năm 2000, công nhận thanh toán bệnh bại liệt. Năm 2015 được công bố loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh… Công tác khám chữa bệnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó phải kể đến sự phát triển của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thông qua các đề án: 1816, Bệnh viện vệ tinh, bệnh viện đã tiếp nhận và thực hiện nhiều kỹ thuật mới do một số bệnh viện tuyến trên chuyển giao. Hiện bệnh viện đã thực hiện khoảng 300 kỹ thuật của tuyến Trung ương. Các bệnh viện tiếp tục thực hiện cải tiến chất lượng, tích cực đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Qua đánh giá, hiện có 6/8 bệnh viện đạt mức khá; tỷ lệ hài lòng chung của bệnh nhân nội trú tại các bệnh viện đều đạt trên 90%.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư trang thiết bị hiện đại, góp phần
nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Ảnh: V.M

Đồng chí Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra cho ngành Y tế, thời gian tới, trên tinh thần phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, ngành Y tế đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2017 – 2025. Duy trì và nâng cao chất lượng các xã đã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trong đó phấn đấu có thêm 4 xã mới đạt chuẩn, nâng tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế lên 84,6%. Đồng thời thí điểm lập hồ sơ quản lý các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường) tại các xã không còn mô hình trạm y tế (Phước Đại, Tân Sơn, Lợi Hải, Khánh Hải, Đô Vinh và Tấn Tài). Thực hiện kế hoạch bổ sung bác sĩ để đạt chỉ tiêu 10 bác sĩ/10.000 dân đến năm 2020. Nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, cung cấp kiến thức để người dân biết tự phòng bệnh, tự rèn luyện nâng cao sức khỏe, hiểu biết về an toàn thực phẩm, phòng trách ngộ độc thực phẩm; đồng thời thường xuyên giám sát, kịp thời phát hiện và khống chế dịch. Trong công tác khám chữa bệnh, đẩy mạnh các Đề án 1816, Bệnh viện vệ tinh nhằm nâng cao năng lực cho đơn vị khám và chữa bệnh các tuyến. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động số 495/KH-UBND ngày 18-2-2016 của UBND tỉnh về Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh giai đoạn 2016 – 2020, tập trung giảm hơn nữa thời gian chờ đợi của người bệnh ở tất cả các khâu từ khi vào bệnh viện đến khi ra về. Ngoài ra, tăng cường tiến độ triển khai thực hiện Đề án Phát triển Bệnh viện đa khoa tỉnh lên hạng I, quy mô 1.000 giường bệnh… Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao, ngành Y tế sẽ hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo sức khỏe mà Đảng, Nhân dân tin tưởng giao phó.