Có những người Mẹ Việt Nam Anh hùng như thế!

(NTO) Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương lòng của bao Bà mẹ Việt Nam có con hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vẫn còn mãi mang nặng. Có Mẹ chỉ có duy nhất một người con nhưng đã anh dũng hy sinh, có Mẹ có đến cả hai, ba, bốn… người con tham gia kháng chiến và cùng hy sinh tất cả. Thậm chí, có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) trong một gia đình… Sẽ chẳng có sự đền đáp nào xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các Mẹ cho Tổ quốc hôm nay.

Nhà có hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Ở tuổi ngoài 90, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thiểu, ở thôn Phương Cựu 1, xã Phương Hải (Ninh Hải) sống bình yên trong căn nhà được Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh hỗ trợ xây mới vào tháng 7-2016. Nghe có người đến chơi, Mẹ Thiểu vui lắm. Nhà đông con nhiều cháu nhưng đã đi làm hết cả, chỉ mình Mẹ và người cháu gái ở nhà. Trong gian thờ cổ kính, trên tường treo nhiều Huân chương chiến công của chồng và con hy sinh ngoài mặt trận, chúng tôi được Mẹ Nguyễn Thị Thiểu kể về gia đình giàu truyền thống cách mạng của mình.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thiểu bên di ảnh con trai Võ Văn Dân.

Mẹ Thiểu và chồng là ông Võ Chắc tham gia cách mạng từ rất sớm. Chồng làm công tác xây dựng phong trào cách mạng tại địa phương, còn Mẹ tổ chức nuôi giấu cán bộ tại hầm bí mật của gia đình để hoạt động và còn nhận nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, Mẹ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cán bộ được mẹ che giấu đều an toàn trong vòng vây của địch. Cụ Chắc hy sinh năm 1962- khi ấy bốn người con của Mẹ còn rất nhỏ. Tháng 11-1971, vừa tròn 17 tuổi, anh Võ Văn Dân, con trai lớn Mẹ Thiểu thoát ly lên đường nhập ngũ tại Huyện đội Thuận Bắc. Qua nhiều chiến trường ác liệt, con trai vẫn vững lòng chiến đấu và đều đặn viết thư gửi Mẹ. Những lá thư gửi về thông báo tình hình của con được Mẹ Thiểu cất cẩn trọng như báu vật. Một ngày cuối năm 1972, Mẹ Thiểu sững sờ khi nhận được tin báo: Anh Võ Văn Dân đã hy sinh ngay tại Bàu Cổng, thôn Phương Cựu, xã Phương Hải … Cầm giấy báo tử trên tay, một lần nữa, trái tim người mẹ như thắt lại…Khẽ đưa đôi bàn tay đầy nếp nhăn vuốt lên mái tóc trắng như cước, Mẹ Thiểu cười tươi để lộ hàm răng đen, chiếc còn, chiếc mất tự hào cho biết: Cả gia đình, dòng họ nội ngoại, rể dâu, con cháu tất cả đều làm cách mạng. Chỉ tính sơ bên nội đã có 5 liệt sĩ. Mẹ chồng của Mẹ cũng là Bà mẹ VNAH có 3 người con hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Bữa cơm trưa của Mẹ có thịt kho mặn, canh rau vườn nhà và cá kho tộ của đứa cháu ngoại nấu, ép Mẹ phải ăn cho hết. Mắng yêu đứa cháu, Mẹ khẳng định chắc nịch rằng: Phải ăn nhiều để sống tới trăm tuổi, cũng là sống giùm cho chồng con mình, để chứng kiến quê hương mình đổi mới.

Mẹ anh hùng sinh con anh hùng

Rời nhà Mẹ Thiểu, chúng tôi đến thăm gia đình Mẹ VNAH Lê Thị Hự, ở thôn Lạc Nghiệp, xã Cà Ná (Thuận Nam). Ở tuổi 91, Mẹ Hự vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn. Sau chén trà mời khách, Mẹ kể: Những ngày quê hương còn nằm trong vòng vây của kẻ thù, chồng Mẹ-ông Nguyễn Hiệu và 3 người con là Nguyễn Hường, Nguyễn Sơn và Nguyễn Lâm một lòng đi theo cách mạng và đã anh dũng hy sinh, bản thân Mẹ lúc đó là Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ xã Xuân Cảnh, huyện Đồng Xuân (nay là Sông Cầu) của tỉnh Phú Yên. Trong thời gian tham gia hoạt động cách mạng, Mẹ đã nhiều lần bị địch bắt vào tù để tra tấn, nhưng Mẹ không một lời khai báo, kiên trung đến mức bọn giặc phải sử dụng hình thức đày đi biệt xứ từ Phú Yên đến Ba Ngòi, rồi vào Ninh Thuận. Gian khổ là thế, nhưng Mẹ vẫn sống và vượt qua, tiếp tục nuôi giấu cán bộ, vừa góp sức vận chuyển lương thực, thuốc men, đưa thông tin liên lạc lên căn cứ cho đến ngày quê hương được giải phóng. Giờ đây, sống trong ngôi nhà tình nghĩa do Nhà nước xây tặng, lòng Mẹ vui lắm, bởi niềm tin của Mẹ vào Đảng, vào cách mạng đã trở thành hiện thực. Mẹ chia sẻ: Cuộc đời Mẹ đã chịu nhiều đau thương, mất mát nên hiểu được cái giá của hòa bình, của đoàn tụ; còn những hy sinh và mất mát của riêng mình, Mẹ xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam trong lúc đất nước cần. Mẹ sẵn sàng chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả; Mẹ không đòi hỏi gì cho riêng mình, chỉ với mong muốn bình dị là con cháu thành người, mãi mãi trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với nhân dân. Mẹ khoe rằng, Mẹ tham gia rất nhiều chương trình nói chuyện cho thế hệ trẻ tỉnh nhà về truyền thống hào hùng của cha, anh đi trước. Tại một hội nghị ở huyện nhà, mọi người đề nghị Mẹ hát một bài cho vui, Mẹ bắt nhịp bài hát thời kháng chiến khi đi vận động cứu tế Việt Minh, kêu gọi quân nhân theo giặc bỏ ngũ. Không một ai nhớ để hát phụ họa, một mình Mẹ cứ thế hát, khí thế ngất trời…

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hự nhận quyết định phụng dưỡng
suốt đời từ Công ty Xổ số kiến thiết Ninh Thuận.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 501 Mẹ VNAH; hiện còn sống là 8 Mẹ. Cùng với việc thực hiện các chế độ theo quy định của Nhà nước, việc phụng dưỡng của các cơ quan, đơn vị, của các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân các địa phương được thực hiện bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú, thiết thực chăm lo cho các Mẹ VNAH sức khỏe, chăm sóc Mẹ khi đau ốm, trái gió, trở trời, gần gũi với Mẹ như người thân, mong được làm ấm lòng Mẹ lúc tuổi cao, sức yếu,… Những tình cảm chân thành xuất phát từ lòng tôn kính, cùng sự biết ơn sâu sắc đã góp phần để các Mẹ sống vui hơn, sống khỏe hơn, sống thọ hơn, để thấy quê hương, đất nước ngày thêm đổi mới và phát triển.

Tuổi trẻ hôm nay không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương mất mát trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, nhưng họ đều hiểu rằng cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hy sinh của nhiều thế hệ lớp người đi trước, là những nỗi đau, sự mất mát lớn lao của những người Mẹ VNAH như Mẹ Thiểu, Mẹ Hự... Kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng quê hương, bên những đóa hoa tươi thắm, những nghi lễ trang trọng, những hoạt động tri ân… tuổi trẻ chúng con xin nguyện một lòng phát huy truyền thống anh hùng của các thế hệ cha, anh đi trước cống hiền tài năng, trí tuệ xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp.