Ngành Thủy sản tỉnh nhà: Qua 27 năm phát triển

(NTO) Ngày 1-4 năm nay, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản, được may mắn dự buổi gặp mặt cán bộ lãnh đạo ngành Thủy sản tỉnh nhà qua các thời kỳ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, chúng tôi rất xúc động khi nghe chuyện hàn huyên của những người từng một thời gắn bó với ngành. Là ngày mở đầu cho những ngày Tháng tư lịch sử, ngày này cũng đồng thời đánh dấu cho chặng đường 27 năm vượt khó vươn lên của ngành Thuỷ sản tỉnh ta kể từ khi tái lập tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người công tác trong ngành Thuỷ sản tỉnh nhà thường tâm sự đến giờ vẫn không quên thực trạng nghề cá ngày ấy. Đồng chí Phạm Hoàng, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản của tỉnh sau ngày tái lập, nhớ lại: Hồi ấy là tỉnh mới nên khó khăn đủ bề, cơ sở vật chất thiếu thốn, cán bộ còn mới mẻ nhưng chúng tôi động viên nhau khắc phục, quyết tâm đưa ngành Thủy sản phát triển. Vào năm 1992, trong khai thác hải sản năng lực sản xuất tỉnh ta còn rất thấp, cả tỉnh chỉ có 1.022 tàu cá, với công suất 15.900 CV. Chúng tôi còn nhớ những năm 1996, 1997, 1998 cỡ thuyền 45 CV đã được coi là tàu công suất lớn.

Cảng cá Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Hữu Phương.

Thế nhưng ngày nay, theo số liệu mới nhất của Chi cục Thủy sản tỉnh, năng lực tàu cá toàn tỉnh có 2.505 chiếc, với tổng công suất 415.937CV (tăng gấp 25,2 lần), đưa công suất bình quân từ 15,6CV/chiếc của năm 1992 lên 166CV/chiếc (tính đến năm 2018). Công suất máy của tàu cá đã thay đổi lớn, chỉ tính tàu từ 90 CV trở lên hiện có 1.119 chiếc (tổng công suất 384.814CV), đặc biệt có 125 tàu từ 700 CV trở lên. Bên cạnh việc tổ chức 170 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, với 1.018 tàu tham gia, ngành còn hình thành đội tàu 564 chiếc đánh bắt ở vùng biển xa (huyện đảo Trường Sa và giàn khoan DK1) với các nghề khơi và trang thiết bị hiện đại.

Từ điểm xuất phát thấp, lạc hậu, nhờ nỗ lực của cán bộ và ngư dân, ngành Thủy sản tỉnh đã liên tục hoàn thành đúng mục tiêu, định hướng, thể hiện rõ nét qua sự phát triển của cả về khai thác hải sản lẫn nuôi trồng thủy sản. Trong khai thác, ngư trường đánh bắt được mở rộng, sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 96 ngàn tấn, vượt mục tiêu đề ra; năm 2018 đạt trên 117.029 tấn, tăng gấp 8,5 lần so năm 1992 và vượt mục tiêu đến năm 2020. Đối với dịch vụ hậu cần nghề cá, đã có nhiều chuyển biến tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân sản xuất. Thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển của Chính phủ, tỉnh ta đã tập trung xây dựng hạ tầng cảng cá Cà Ná, Đông Hải, Ninh Chữ, Mỹ Tân, hình thành 3 trung tâm nghề cá và khu neo đậu tránh trú bão. Tại các trung tâm nghề cá, xuất hiện các cơ sở đóng sửa tàu thuyền và hệ thống hậu cần tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 42 tàu dịch vụ hoạt động vùng biển xa nên đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của ngư dân.

Cơ sở đóng, sửa tàu thuyền công suất lớn của Công ty TNHH Thái Sơn tại Cảng Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Về nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh hiện có diện tích mặt nước thả nuôi 1.230 ha, với sản lượng hằng năm trên 10.000 tấn, gấp 16 lần so với năm 1992. Từ đối tượng nuôi duy nhất là tôm sú, bây giờ đã phát triển nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như: Tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, ốc hương, hàu Thái Bình Dương, sò huyết, rong sụn và các loài cá biển (chủ yếu là cá bớp, cá mú, cá chim trắng). Nhiều mô hình nuôi có hiệu quả cũng đã hình thành như mô hình nuôi trên cát, mô hình nuôi lồng bè trên biển… Trong sản xuất giống, từ một vài cơ sở nhỏ lẻ vào năm 1992, hiện nay tỉnh ta đã hình thành các khu vực nuôi tập trung với trên 450 cơ sở sản xuất, sản lượng hằng năm đã vượt trên 30 tỷ con giống, chiếm khoảng 30% sản lượng của cả nước, gấp hơn 600 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Đến nay, tỉnh ta đã được xác định là Trung tâm sản xuất giống thủy sản lớn của cả nước với thương hiệu “Tôm giống Ninh Thuận”.

Thả tôm, cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Theo đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thuộc khu vực duyên hải cực Nam Trung Bộ, tỉnh ta có tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế thủy sản. Với bờ biển dài 105 km, có 3 cửa biển, có vùng đặc quyền kinh tế rộng 24.480 km2 (gấp 7,2 lần diện tích đất liền), biển Ninh Thuận nằm ở trung tâm vùng nước trồi, nước sâu, trong sạch, độ mặn cao, nguồn lợi hải sản phong phú. Nhìn lại hành trình kể từ ngày tái lập tỉnh, có thể thấy rõ ngành Thủy sản tỉnh đã phát triển với tốc độ cao (bình quân 11,2%/năm), đưa giá trị thủy sản chiếm tỷ trọng từ 7,5% (năm 1992) lên 18,5% (năm 2018) trong tổng sản phẩm nội tỉnh. Điều đó khẳng định ngành Thủy sản có vai trò đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III (năm 2002) và hạng II (năm 2007). Trong ngành có hàng chục tập thể, hàng trăm cán bộ, ngư dân được trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng cao quý, xứng đáng với những thành quả đạt được từ ngày tái lập tỉnh đến nay.

Phát huy truyền thống ngành Thủy sản tỉnh nhà 27 năm qua, ngày nay Sở NN&PTNT đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 26-10-2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đối với ngành Thủy sản, trọng tâm là phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy sản; phấn đấu đến năm 2020 có sản lượng khai thác hải sản đạt trên 120.000 tấn, trong đó khai thác xa bờ chiếm 65%; sản lượng tôm giống trên 36 tỷ con.