Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa

(NTO) Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, các tổ chức và nhân dân, tỉnh ta đã hoàn thành tốt các mục tiêu trọng tâm của Quyết định số 581/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.

Nổi bật, trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa (DSVH) thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo nên nguồn nội lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ninh Thuận được đánh giá là một vùng đất chứa đựng nền văn hóa vô cùng độc đáo, mang sắc thái riêng của cộng đồng các dân tộc anh em. Thực hiện Quyết định số 581/2009/QĐ-TTg, tỉnh xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa (DSVH) trên địa bàn tỉnh là việc làm cấp thiết. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Công tác tu bổ tôn tạo di tích được các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm huy động được nhiều nguồn lực từ Trung ương, địa phương và từ cộng đồng cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, lễ hội trọng điểm. Phối hợp với các tổ chức, cơ quan chuyên môn trong nước và quốc tế tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để đưa ra các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị DSVH hiệu quả. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về DSVH, gắn trách nhiệm quản lý di tích với các ngành, địa phương với thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Di tích tháp Po Klong Garai được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: V.M

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 239 di tích được kiểm kê trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 60 DSVH đã được lập hồ sơ trình xếp hạng và chứng nhận ở các cấp. Đặc biệt, có 2 Di tích quốc gia đặc biệt (tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai); 15 di sản cấp quốc gia, trong đó 12 di tích quốc gia, 3 di sản lễ hội và nghề truyền thống được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc; Lễ hội Katê của đồng bào Chăm và Lễ Bỏ mả của người Raglai). Ngoài ra, ngày 5-12-2013, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Ninh Thuận vinh dự nằm trong danh sách 21 tỉnh, thành được công nhận danh hiệu này.

Công tác trùng tu, tu bổ chống xuống cấp di tích tại tỉnh đã được các ngành chức năng quan tâm đầu tư đối với những công trình tiêu biểu, có giá trị quan trọng đã đạt một số kết quả nhất định. Đến đầu năm 2019, 12 di tích cấp quốc gia của tỉnh đều đã được quan tâm đầu tư chống xuống cấp bằng Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa (giai đoạn 2012-2015). Bên cạnh đó, các di tích này cũng được người dân địa phương tu bổ thêm qua các năm bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Do vậy, hầu hết các di tích cấp quốc gia đều đã được trùng tu, tu bổ, gia cố chống xuống cấp ở những kết cấu quan trọng của kiến trúc và những công trình, hạng mục chính. Hầu hết các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đã trở thành điểm tham quan, du lịch, sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống một cách có hiệu quả. Trong đó, cụ thể nhất là ở lĩnh vực du lịch. Sự “bắt tay” kết nối giữa các DSVH với du lịch đang ngày càng cho thấy hiệu quả “kép”. Lễ hội Ka tê, cụm di tích tháp Chăm, các làng nghề truyền thống Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp… đã trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Những kết quả đạt được trong bảo tồn, phát huy giá trị DSVH cả vật thể và phi vật thể là rất to lớn, góp phần trùng tu, tôn tạo, bảo tồn được nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp. Qua đó, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo nên nguồn nội lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh và các địa phương.

Đồng chí Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Tiếp tục triển khai Quyết định số 581/2009/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đối với lĩnh vực DSVH, hiện nay ngành đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đối với từng di tích, phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân nhằm từng bước tu bổ, tôn tạo các DSVH. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cá nhân vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch văn hóa, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH gắn với phát triển du lịch bền vững, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Trước mắt, tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch, lộ trình, quy trình, thủ tục, các tiêu chí theo quy định, nghiên cứu và làm rõ giá trị di tích tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai gắn với hệ thống tháp Chăm các tỉnh miền Trung để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là DSVH thế giới trong những năm tới; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình Tổ chức UNESCO đưa vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới. Đồng thời ngành cũng tham mưu cho tỉnh kiến nghị đề xuất với Trung ương quan tâm, dành các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia về văn hóa cho tỉnh, tập trung vào các dự án như bảo tồn, phát huy giá trị DSVH kèm theo các cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư cho tỉnh để thực hiện.