Sản xuất và đời sống liệu có ảnh hưởng theo giá xăng, dầu tăng ?

10 giờ sáng ngày 24-2, giá xăng dầu chính thức tăng theo thông báo số 98 của Bộ Tài chính. Theo đó, xăng Ron 92 tăng 2.900 đồng/lít (giá mới là 19.300 đồng/ lít), dầu Diesel 0,005S tăng 3.550 đồng/ lít (giá mới là 18.300 đồng/ lít).

Những biến động về giá cả hàng hoá, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống thường nhật của người dân ngay sau khi xăng dầu tăng giá, được phóng viên Báo Ninh Thuận ghi nhận…

Nhiều chủ tàu lo lắng vì giá nhiên liệu tăng!
Ảnh Lê Trường

…Sáng 25-2, một ngày sau khi xăng dầu chính thức tăng giá, chúng tôi có mặt tại Cảng cá Ninh Chử (Ninh Hải). Tầm hơn 8g, tàu thuyền ra vào cảng tấp nập, từng mẻ cá thu tươi roi rói được bà con ngư dân khai thác trong những ngày lặng gió đầu năm, lần lượt được chuyển lên các xe đông lạnh đi các tỉnh. Trong niềm vui được mùa cá của bà con ngư dân, chúng tôi chợt thấy những gương mặt lo âu của các chủ tàu. Anh Lê Văn Sáu (chủ tàu KH92459-TS) tính toán: “Với giá xăng dầu hiện nay thì mỗi ngày tôi phải tốn hơn 12 triệu đồng nhiên liệu, tăng hơn 2 triệu rưỡi so với trước đây. Trong khi thương lái thu mua cá vẫn giữ mức cũ… Khó khăn quá.” “Tụi tui đang phải tính công cho anh em đi bạn nữa đó. Nghe đâu xăng dầu vừa lên thì nhiều thứ lên giá theo. Mình không thêm tiền thì coi sao được” ông Trần Huỳnh Duy, một chủ tàu ở Khánh Hải (Ninh Hải) nói. Một số ngư dân ở Phước Diêm, Cà Ná (Thuận Nam) khi tiếp xúc với chúng tôi đều cho rằng với các tàu công suất lớn (100 – 200 CV), chuyên đánh bắt xa bờ thì càng khó khăn hơn: “Bây giờ thì đủ thứ chi phí hậu cần khác đã tăng theo giá xăng dầu, ví dụ như đá ướp cá, ngư lưới cụ, thực phẩm … Ra biển không khéo tính thì lỗ cả chuyến biển như chơi”. Anh Măng, chủ 2 chiếc thuyền 90, 100 CV, nói như phân trần.

Xăng dầu tăng giá khiến nhiều chủ kinh doanh vận tải cũng đang trong tình thế khá chật vật. Anh Trương Tấn Phong (chủ xe ô tô đông lạnh 79N-0478) cho biết: “Trước đây, trung bình mỗi chuyến hàng Nha Trang – Phan Rang, mình kiếm được khoảng 500.000 đồng. Bây giờ xăng lên, phải thêm 100.000 đồng/mỗi chuyến. Mình đề nghị với khách hàng tăng giá nhưng họ đâu có chịu”. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Diện (chủ xe khách Hoàng Anh – PR-TC) nhẩm tính: “Bây giờ mỗi chuyến Phan Rang – Sài Gòn, nhà xe phải tốn thêm 26% chi phí xăng dầu so với trước đây. Vì vậy, giá vé cũng phải tăng ít nhất 20%.”.

Đồng chí Cao Văn Mão, Giám đốc Sở GTVT cho biết, với tình hình này thì chắc chắn các doanh nghiệp vận tải hành khách trong tỉnh sẽ đề nghị được tăng giá vé, giá xăng dầu tăng – giá vé tăng là đương nhiên, nhưng tăng bao nhiêu là hợp lý!. Khi nào các doanh nghiệp có văn bản chính thức thì sở và một số ngành chức năng sẽ thẩm định, xem xét.

Giá xăng tăng từ 16.400 đồng lên 19.300 đồng/ lít khiến nhiều người dân có xu hướng hạn chế việc đi lại bằng xe máy và tính toán chi li hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Chị Hằng (Phước Mỹ - Tp.PR-TC) bảo vợ chồng chị thường có thói quen chở nhau dạo phố vào mỗi tối, bây giờ chắc… “hổng dám đâu” vì để dành xăng đi làm. “Xăng vừa tăng buổi sáng thì chiều anh xe thồ đã đề nghị được nâng thêm 150.000 đồng tiền tháng chở thằng nhỏ đi học. Cũng phải thôi mà…” Anh Vinh, chủ cơ sở kinh doanh nông sản ở Tấn Tài – Tp.PR-TC, nói với vẻ thông cảm.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá xăng ở các điểm bán lẻ trên các tuyến giao thông nội tỉnh cao hơn 1.500 đến 2.000 đồng/ lít so với giá tại cây xăng. “Những chỗ đó họ bán có đủ lít đâu. Tụi tui chạy xe ôm phải “thăm chừng” bình, rủi thời phải đổ 1 lít xăng giữa đường thì coi như mất đứt thêm 3.000 đồng nữa” Ông Tư Bình, xe ôm ở ngã 5 Phủ Hà, tính toán cụ thể vậy.

Hoạt động mua bán kinh doanh cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bà Hoàng Thị Lan (Trưởng ban quản lý chợ Phan Rang) nhận định: “Như một quy luật, hễ xăng tăng giá thì hàng loạt giá các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng theo đó…“leo thang”. Người tiêu dùng vừa phải chịu sự tăng giá của nhiên liệu cho việc đi lại vừa phải “gánh” thêm phần bội chi cho việc mua sắm hàng ngày”.

Qua khảo sát tại các chợ đầu mối Phan Rang, Thanh Sơn, Tháp Chàm trong ngày 27-2, đa phần các mặt hàng, trong đó lương thực, thực phẩm đã có dấu hiệu tăng giá, ví dụ, gạo (loại thường) tăng 500 đồng/kg, dầu ăn tăng gần 20.000 đồng/chai (loại 5 lít), thịt heo tăng 15.000 – 17.000 đồng/kg thịt, bò tăng trên 22.000 đồng/kg, cá tăng trên dưới 10.000 đồng/kg (tuỳ loại)… Trong khi đó, người mua thường nhận được sự giải thích rất… hợp lý là do giá “đầu vào” tăng cộng với chi phí vận chuyển, công cán bốc xếp đều cao hơn trước đây nên không thể giữ giá bán cũ. Tuy nhiên, không loại trừ việc một số người lợi dụng tình hình chung của thị trường để “tát nước theo mưa”, nâng giá hàng.

Tết nguyên đán vừa qua chưa lâu, người tiêu dùng vốn mang tâm lý dè dặt trong chi tiêu nay càng phải tính toán kỹ lưỡng hơn, theo xu hướng “thắt chặt hầu bao”.