Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm những tháng cuối năm

(NTO) Nhờ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý nhà nước, thời gian qua, nhận thức, ý thức trách nhiệm về thực hiện an toàn thực phẩm (ATTP) của người dân nói chung cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm ATTP làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo báo cáo của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 160 đoàn thanh tra, kiểm tra 4.487 cơ sở về việc thực hiện ATTP; trong đó tuyến tỉnh 25 đoàn, tuyến huyện, thành phố 15 đoàn và tuyến xã, phường 120 đoàn, qua đó đã phát hiện 803 cơ sở vi phạm. Từ kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, tình trạng khá phổ biến hiện nay đó chính là có rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy phép kinh doanh nhưng vẫn hoạt động, thậm chí hoạt động trong thời gian dài. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của cơ quan chức năng, cũng như sự thiếu kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở. Ngoài ra, qua kết quả kiểm tra có nhiều mẩu thực phẩm có chất cấm, chất phụ gia, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Điển hình như qua các đợt thanh tra, kiểm tra của ngành Y tế đã lấy 7 mẩu thực phẩm kiểm nghiệm labo, gồm 5 mẩu nước uống đóng chai, 1 mẩu nước đá dùng liền và 1 mẩu thịt heo xay, phát hiện 2 mẩu nước uống đóng chai, đóng bình nhiễm trực khuẩn mủ xanh- Pseudomonas aeruginosa; 1 mẩu nước đá ống phát hiện vi khuẩn Coliform, Streptococci feacalis vượt giới hạn cho phép và 1 mẩu thịt heo xay dương tính hàn the. Ngoài ra, qua test nhanh, đã phát hiện 5 mẩu thực phẩm không đạt tiêu chuẩn, gồm 3 mẩu rượu gạo dương tính methanol và 2 mẩu độ ôi khét trong dầu mỡ. Các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng đã nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết không tái phạm đối với 733 cơ sở do không có hợp đồng về nguồn cung cấp hải sản tươi sống an toàn; để thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vệ sinh khu vực chế biến, trang thiết bị, dụng cụ chưa bảo đảm ATTP và ghi nhãn sản phẩm không đúng quy định; xác nhận kiến thức về ATTP và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trực tiếp kinh doanh thực phẩm không đầy đủ…Việc thực hiện biện pháp chế tài chưa nghiêm cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tâm lý chủ quan, xem thường việc thực hiện công tác ATTP của các chủ cơ sở. Trong số 803 cơ sở vi phạm, các ngành chức năng chỉ phạt 70 cơ sở, với số tiền 114.150.000 đồng. Việc xử phạt chủ yếu do tuyến tỉnh thực hiện; còn những cơ sở thuộc huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn quản lý khi vi phạm hầu hết là nhắc nhở.

Đồng chí Mai Thị Phương Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Y tế tiếp tục tham mưu với Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh tiếp tục chỉ đạo cho các địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân nói chung và các chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nói riêng. Đồng thời, kiến nghị Ban Chỉ đạo của tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, nhất là các huyện, thành phố, xã, phường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã được nhắc nhở nhưng tiếp tục vi phạm và tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra về ATTP khi phát hiện có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP, nhằm bảo đảm ATTP trong những tháng cuối năm, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.