Phát triển Thủy sản qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh

(NTO) Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 105 km, là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp cùng với điều kiện khí hậu đặc thù về nắng và gió nên thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng tái tạo.

Nhìn lại giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, có thể thấy, kinh tế biển, mà trước hết là ngành Thủy sản đã có bước phát triển khá toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng gắn với chế biến thủy sản; đặc biệt là đạt mục tiêu đề ra về sản xuất giống thủy sản.

Theo báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong 3 năm qua (2016-2018), ngành Thủy sản có tốc độ tăng trưởng khá (giá trị sản xuất đến năm 2018 ước đạt 6.067 tỷ đồng, tăng bình quân 13%/năm, tăng 1.863 tỷ đồng so với năm 2015). Về khai thác hải sản, năng lực tàu thuyền công suất lớn tăng nhanh, toàn tỉnh hiện có 2.480 chiếc/386.628 CV, trong đó có 1.083 tàu có công suất từ 90 CV trở lên đánh bắt xa bờ, tăng 149 chiếc/119.950 CV so năm 2015, đặc biệt có 38 tàu có công suất trên 700 CV, trong đó có tàu trên 1000 CV. Ngư trường đánh bắt được mở rộng; mô hình hợp tác sản xuất trên biển tiếp tục phát triển, sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 96 ngàn tấn, vượt mục tiêu đề ra; năm 2017 đạt trên 98.526 tấn, tăng gấp 2,1 lần so năm 2007 và vượt mục tiêu đến 2020. Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển khá, chất lượng dịch vụ được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của ngư dân. Đến nay, toàn tỉnh có 94 tàu dịch vụ; 13 cửa hàng xăng dầu phục vụ tàu cá, 94 cơ sở thu mua chế biến; 7 doanh nghiệp đóng sửa tàu cá, trong đó có 3 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu có công suất từ 400 CV trở lên.

Ngư dân xã Phước Diêm (Thuận Nam) ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Văn Nỷ

Về nuôi trồng thủy sản, chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước tiếp tục được đẩy mạnh; năng lực, quy mô sản xuất tăng nhanh. Khả năng đến cuối năm nay, sản lượng tôm giống sẽ đạt khoảng 31 tỷ con, tăng gấp 1,58 lần so năm 2015, cung ứng gần 30% tổng nhu cầu tôm giống của cả nước. Nuôi tôm thương phẩm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi sinh thái, bền vững được chú trọng thực hiện theo các mô hình như: Mô hình nuôi thủy sản sinh thái kết hợp với trồng rừng ngập mặn tại đầm Nại (Ninh Hải), quy mô 2,2 ha; mô hình nuôi tôm thẻ thương phẩm 2 giai đoạn, quy mô 78 ha tại An Hải (Ninh Phước), Phước Dinh (Thuận Nam); dự án sản xuất tôm bố mẹ sạch bệnh Sơn Hải của Công ty TNHH Việt Úc (doanh nghiệp duy nhất cả nước). Sản lượng tôm nuôi thương phẩm tăng khá, dự kiến đến cuối năm nay ước đạt 7.090 tấn, bằng 59,1% mục tiêu (đến năm 2020 sản lượng tôm thương phẩm trên 12 ngàn tấn/năm).

Đối với lĩnh vực chế biến hải sản, hiện có một số nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, nhà máy chế biến rong sụn và các cơ sở chế biến hải sản tại các khu vực ven biển Cà Ná (Thuận Nam), Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Khánh Hải, Mỹ Tân (Ninh Hải),… Năm 2017, tổng sản lượng hải sản xuất khẩu đạt 5.850 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 32 triệu USD, chiếm 42,2% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 9 tháng năm 2018, trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 61,1 triệu USD toàn tỉnh, có 27,2 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu hải sản, tăng 41,8% so với cùng kỳ.

Sản xuất tôm giống tại Công ty Sản xuất giống thủy sản Minh Phú
tại xã An Hải (Ninh Phước).Ảnh: Văn Miên

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, về thủy sản đã đề ra chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 8%/năm. Nghị quyết nhấn mạnh cần phát triển đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng gắn với chế biến thủy sản; áp dụng khoa học, công nghệ cao để nâng cao chất lượng và phát huy thương hiệu tôm giống, đưa Ninh Thuận thành trung tâm giống chất lượng cao của cả nước. Về khai thác hải sản, thực hiện có hiệu quả đề án Tổ chức lại nghề khai thác hải sản, hỗ trợ ngư dân nâng công suất tàu thuyền, trang thiết bị hiện đại vươn khơi, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng nâng cao hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển. Phấn đấu sản lượng khai thác ở vùng khơi, xa bờ chiếm 65% tổng sản lượng khai thác.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, trong 2 năm còn lại 2019-2020, Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, khai thác và phát huy các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch. Riêng kinh tế thủy sản, cùng với tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng chất lượng nuôi trồng thủy sản, phát huy thương hiệu tôm giống, sẽ tiếp tục nâng cao năng lực tàu thuyền, phấn đấu đến năm 2020 đạt sản lượng khai thác trên 121.800 tấn.

Hiện nay, trong xu hướng phát triển mới, các tàu thuyền tỉnh ta đang tiếp tục vươn ra khơi xa nhằm khai thác ngày càng nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, với sự gia tăng giá trị sản xuất của nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất tôm giống, ngành Thủy sản đã chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế biển tỉnh nhà và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhà.