Khác với các năm trước, bước vào vụ cá Bấc năm nay (2018-2019) có những điểm mới đáng quan tâm. Nếu tháng 10, thời điểm giao mùa giữa vụ cá Nam và cá Bấc, có gió to, sóng lớn, lại chịu ảnh hưởng bão làm biển động mạnh, thường được coi là không thuận lợi cho khai thác trên biển. Nhưng thay vì nằm bờ để tu sửa lưới nghề, vỏ tàu thì trong tháng vẫn có khoảng 80% tàu cá hoạt động đánh bắt, chủ yếu là tàu hành nghề: Pha xúc, lưới vây, lưới rê (nylon, cước), câu, mành…. Theo Chi cục TS tỉnh, đa số tàu nghề pha xúc của 2 xã Cà Ná và Phước Diêm (Thuận Nam) đang tổ chức tham gia khai thác trên vùng biển từ đảo Phú Quý (Bình Thuận) đến vùng biển đảo Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu); 20% tàu cá còn lại đang chuẩn bị ngư cụ, nhiên liệu và theo dõi tình hình thời tiết cũng như nắm thông tin ngư trường. Hầu hết các tàu cá rời bờ hoạt động đều khai thác hiệu quả, nhất là các tàu hành nghề pha xúc, lưới vây, lưới rê. Điển hình ở Cà Ná có tàu cá của bà Lê Thị Kim Huệ; Phước Diêm có tàu cá của các bà Trần Thị Bông, Trần Thị Nở, Trần Thị Hoa, Nguyễn Thị Mao và các ông Huỳnh Hồng Huynh, Huỳnh Hồng Đạt mỗi đêm khai thác đạt 5-7 tấn/tàu.
Hải sản khai thác được tiêu thụ tại Chợ cá đầu mối cảng Đông Hải.
Qua trao đổi với các ngư dân tại làng biển Khánh Hội, xã Tri Hải (Ninh Hải), chúng tôi được biết vào vụ Bấc đa số tàu nghề lưới vây rút chì neo bờ để tu bổ, song các tàu còn tiếp tục hoạt động vẫn đánh bắt hiệu quả. Hiện nay, với xu hướng mở rộng ngư trường, không chỉ tàu pha xúc mà cả tàu nghề lưới vây chuyên đánh cá nổi cũng tìm về khai thác ở vùng biển Tây Nam vì biển nơi đây vẫn còn êm, ít sóng gió hơn. Một chủ tàu cá công suất 365 CV hành nghề lưới vây ở Khánh Hội, chia sẻ: Nghỉ đến tháng 11 âm lịch, tàu tôi sẽ vào phía Nam đánh bắt, vẫn biết là thời tiết biển động và chi phí chuyến biển tăng, nhưng đó là lúc đàn cá nổi bắt đầu xuất hiện trong vụ Bấc, điều quan trọng bây giờ là phải chuẩn bị cho đủ lực lượng bạn đi làm trên tàu. Đối với nghề lưới chuyên đánh cá đáy, không ít tàu chọn đánh vụ Bấc là vụ chính vì khi biển động khai thác được nhiều mẻ cá đáy hơn và có thể bán được gấp rưỡi hoặc gấp đôi giá bán của vụ Nam. Ngư dân Trần Công Bình, khu phố 4, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) giải thích: Không phải ai cũng chọn làm vụ chính, nhưng trong vụ Bấc, có lợi thế là ít tàu thuyền hoạt động, sản lượng khai thác không nhiều, đương nhiên giá cá luôn cao hơn. Ngoài ra, vụ Bấc có đặc điểm là cá đáy xuất hiện nhiều nên các tàu lưới rê không bỏ qua cơ hội khai thác nguồn lợi hải sản này.
Nghề lưới rê được coi là nghề khai thác cá đáy hiệu quả trong vụ Bấc. Với đặc điểm có kích thước thay đổi theo chiều cao của lưới, có thể đánh bắt các đối tượng hải sản phân bố ở các tầng nước khác nhau, nghề lưới rê chia thành 3 loại: rê tầng mặt (rê nổi), rê tầng giữa (tức lưới cản) và rê tầng đáy (lưới quét); trong đó nghề lưới rê đáy là nghề đi xa bờ. Thực ra nghề lưới rê có thể hoạt động quanh năm, di chuyển liên tục, khi đánh bắt xa thường kết hợp đánh cả 3 phần lưới nên có thể khai thác được tất cả các loại cá. Ngư dân Trần Văn Năm, cùng ngụ khu phố 4, phường Đông Hải (Tp. Phan rang-Tháp Chàm), chủ tàu cá công suất 420 CV hành nghề lưới quét cho biết: Tàu của tôi làm nghề lưới quét, nhưng vào vụ bấc tùy thời điểm ngư trường mà linh hoạt sử dụng cả lưới rê nổi và rê tầng giữa nên hiện vẫn khai thác hiệu quả. Một số ngư dân khác cũng khẳng định, nghề lưới rê đánh bắt vụ Nam hay vụ Bấc đều rất hiệu quả, đặc biệt nếu hoạt động trên vùng biển khơi.
Thực ra, sở dĩ sản lượng khai thác đạt được trong 10 tháng qua cao chủ yếu là nhờ trong vụ cá Nam đã đánh bắt đạt hiệu quả, nhưng công bằng mà nói vụ cá Bấc năm nay đã có mở đầu thuận lợi. Với việc ngư dân tỉnh ta vẫn đang tăng cường bám biển, mở rộng ngư trường khai thác ở tuyến khơi; đặc biệt là áp dụng một số công nghệ khai thác tiên tiến, tiếp cận và tổ chức đánh bắt phù hợp trong vụ Bấc, cho thấy việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch khai thác hải sản cả năm không còn xa.
Bạch Thương