Sau 2 năm thực hiện công tác chuyển giao các đề tài khoa học - công nghệ vào sản xuất

(NTO) Từ năm 2016 đến nay, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chuyển giao 40 đề tài, dự án cho 21 sở, ngành, địa phương ứng dụng vào thực tiễn sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực về nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tạo lợi thế cạnh tranh, hướng đến phát triển hàng hóa, sản phẩm đặc thù, gắn với chế biến, chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu có nhiều chuyển biến.

Tiêu biểu như từ đề tài Nghiên cứu chọn tạo các giống nho NH01- 48, NH01- 52; đề tài Nghiên cứu canh tác theo quy trình VietGAP; công nghệ bảo quản, chế biến đã tạo đột phá đưa nghề trồng nho phát triển lên tầm cao mới. Đến nay, diện tích nho VietGAP đã được mở rộng trên 200 ha, hình thành hàng chục cơ sở sản xuất vang nho, nho khô chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong cả nước. Cùng với đó, các đề tài Ứng dụng kỹ thuật thâm canh cây măng tây xanh theo hướng công nghệ cao; Công nghệ màng bao gói khí quyển biến đổi bảo quản sản phẩm đến 20 ngày đã giúp Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận đưa sản phẩm tiêu thụ ở những thị trường lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Nhờ có đầu ra sản phẩm ổn định đã khuyến khích các hộ an tâm mở rộng sản xuất, đưa diện tích măng tây xanh lên đến 200 ha, tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho nông dân.

Ngư dân tìm hiểu công dụng máy dò ngang trưng bày
tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp.

Có rất nhiều đề tài nghiêm cứu phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp được ứng dụng vào thực tiễn ở giai đoạn 2016- 2018, nhưng đáng kể nhất là đề tài Công nghệ tưới tiết kiệm nước, kết hợp sử dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác hợp lý trong điều kiện khô hạn đã thúc đẩy nghề sản xuất các loại cây ăn quả đặc thù của tỉnh phát triển theo hướng bền vững. Mô hình đang được tiếp tục nhân rộng, áp dụng cho nhiều loại cây trồng cạn, như: nha đam, măng tây xanh, hành, tỏi, với tổng diện tích gần 980 ha. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công nghệ tưới tiết kiệm đã tạo đột phá trong khai thác tiềm năng lợi thế ở khu vực khí hậu nắng nóng như tỉnh ta để sản xuất các mặt hàng nông sản có tính khác biệt cao.

Lĩnh vực thủy sản, là đề tài Sinh sản giống hàu Cửa Sông, hàu Thái Bình Dương, cua xanh, ghẹ xanh, cá mú đen chấm đỏ đã cung cấp 13.780.000 con giống phục vụ sản xuất, qua đó giúp nông dân khai thác tiềm năng vùng ven biển, nhất là khu vực đầm Nại để làm giàu. Trong khai thác thủy sản, đề tài Xây dựng mô hình đội tàu mẹ - tàu con, thiết kế kỹ thuật 3 mẫu tàu mẹ làm dịch vụ hậu cần nghề cá đảm bảo cho ngư dân bám biển dài ngày. Đầu năm 2018, Trung tâm Khuyến nông thực hiện dự án Nhân rộng 4 tàu đánh bắt xa bờ thuộc huyện Ninh Hải với sự tài trợ 50% kinh phí mua đèn LED của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, tiết kiệm được 1/3 chi phí nguyên liệu so với sử dụng đèn cao áp trước đây, mang lại hiệu quả kinh tế cao, công nghệ mới do đó nhanh chóng được nhân rộng trên nhiều tàu cá.

Đông chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05 - NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, từ nay đến năm 2020 bên cạnh tiếp nhận các đề tài nghiên cứu khoa học chuyển giao cho nông dân ứng dụng vào sản xuất, ngành đẩy mạnh các hoạt động KH&CN hỗ trợ và tác động hình thành chuỗi giá trị thông qua phát triển các sản phẩm đặc thù. Thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học có trọng điểm để giải quyết các vấn đề bức thiết trong sản xuất và cuộc sống. Lĩnh vực nông nghiệp, đang triển khai đề tài “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững vùng đồng bào dân tộc Raglai đặc biệt khó khăn ở huyện Bác Ái; Nghiên cứu ứng dụng Bentonite và phân bón lá nano để cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng và tiết kiệm nước tưới nhằm ứng phó với hạn hán. Các đề tài lần lượt được hoàn thành trong năm 2019 và 2020, khi áp dụng vào thực tiễn sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở những vùng khô hạn phát triển bền vững.