Mỹ tăng cường trừng phạt Nga - Một bước đi hiệu quả?

Nga đã và đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt kể từ năm 2014, khi căng thẳng leo thang giữa Moskva và phương Tây liên quan đến xung đột tại miền Đông Ukraine.

Mới đây, Mỹ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Moskva kể từ ngày 27-8, liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông này. Theo đó, Washington chấm dứt các hoạt động hỗ trợ, hoạt động buôn bán vũ khí và cấp tài chính dành cho Nga.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ từ chối các khoản tín dụng và cấm xuất khẩu sang Nga một số công nghệ và mặt hàng an ninh. Dự kiến, gói trừng phạt thứ hai sẽ có hiệu lực vào tháng 11 tới, trong đó có cả việc hạ cấp quan hệ ngoại giao, cấm các chuyến bay của hãng hàng không Nga Aeroflot tới Mỹ, cũng như cấm các hoạt động xuất nhập khẩu.

Giới phê bình đang lớn tiếng lập luận rằng các biện pháp trừng phạt không hiệu quả, phản tác dụng và bị lạm dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các biện pháp trừng phạt Nga đã chứng tỏ sự hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn so với những người chủ trương thực hiện chúng kỳ vọng. Ngay cả nếu chính quyền và quốc hội không thực hiện thêm bất kì biện pháp nào, thì các biện pháp trừng phạt hiện tại sẽ gây tổn hại nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lần đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga để phản ứng trước vụ Moskva sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Đây là một bước ngoặt trong mối quan hệ này. Cho tới khi đó, phương Tây đã tìm cách hội nhập nước Nga hậu Liên Xô vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng hiện tại họ đã bắt đầu đẩy Nga ra ngoài.

Đây cũng là một bước ngoặt trong lịch sử trừng phạt. Không nền kinh tế nào lớn như Nga phải chịu các biện pháp trừng phạt lớn trong thời gian gần đây. Nga là một nước cung cấp dầu khí chính cho phần còn lại của thế giới. Không thể tưởng tượng được các sản phẩm xuất khẩu chính của nước này lại bị cấm vận - một công cụ trừng phạt truyền thống. Việc thiết kế các biện pháp trừng phạt hiệu quả chống lại một mục tiêu khó như vậy là một thách thức mới.

Phần lớn những biện pháp trừng phạt đã thể hiện sự hiệu quả. Có bằng chứng thuyết phục rằng vào thời điểm nổ ra cuộc chiến căng thẳng trong năm 2014-2015, viễn cảnh về các biện pháp trừng phạt đáng kể hơn nữa đã kiềm chế Nga leo thang trên thực địa. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đã thất bại trong mục tiêu tham vọng nhất là đưa Nga tới chỗ thực hiện thỏa thuận Minsk.

Ngay cả như vậy, các biện pháp trừng phạt Nga đã có hiệu quả tốt hơn nhiều so với mong đợi. Quả thực, hiếm có công cụ chính sách đối ngoại nào có thể đạt được tất cả mục tiêu. Nghiên cứu toàn diện nhất về các biện pháp trừng phạt, dựa trên 100 vụ việc, nhận thấy chúng hiệu quả nhất khi được áp đặt lên các nền dân chủ, lên các nước mà có thể bị cô lập, và giữa các nước trước đây có quan hệ thân thiết. Không tương quan thành công nào trong số này hiện diện trong trường hợp Nga. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đã đem lại kết quả trong thời gian ngắn hơn số năm hay thậm chí thập kỷ mà các biện pháp trừng phạt thường đòi hỏi.

Các biện pháp trừng phạt cũng chưa tỏ ra là phản tác dụng. Một số người đã lập luận rằng các biện pháp trừng phạt có lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng cách gia tăng tâm lý ủng hộ tổng thống trong ngắn hạn ở Nga. Nhưng sự gia tăng mạnh ủng hộ cá nhân cho ông Putin sau năm 2014 là kết quả của việc sáp nhập Crimea, không phải là để phản ứng với các biện pháp trừng phạt. Kể từ khi Tổng thống Putin tái đắc cử hồi tháng 3, mức tín nhiệm dành cho ông đã giảm mạnh xuống mức trước sự kiện Crimea, ngay cả khi các biện pháp trừng phạt đã nghiêm khắc hơn.

Những tác động đáng kể nhất của các biện pháp trừng phạt vẫn ở phía trước. Theo kế hoạch, các biện pháp sẽ lấy đi công nghệ và tài chính nước ngoài của ngành năng lượng, gây ảnh hưởng sâu sắc hơn nếu chúng được áp đặt lâu hơn. Hồi tháng Bảy, Chính phủ Nga đã soạn thảo kế hoạch toàn diện đầu tiên của mình để chống lại các biện pháp trừng phạt. Ngày 3-8, Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng an ninh Nga, lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt đang tạo ra "những rắc rối nghiêm trọng" trong ngành năng lượng. Không chỉ những người theo chủ nghĩa tự do kinh tế mà còn cả các quan chức ngành an ninh vốn nắm các lĩnh vực chính, cũng lo ngại.

Trong các biện pháp mới nhất có thể kể đến việc tháng 4 năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một danh sách những người Nga mà Mỹ ngăn chặn tiếp cận phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu. Điều này đã tạo ra sự lo lắng trong giới đầu sỏ chính trị Nga. Thêm vào đó, Anh đang điều tra tài sản của giới tinh hoa Nga chặt chẽ hơn và đang nâng cao các tiêu chuẩn minh bạch ở các lãnh thổ hải ngoại của nước này, vốn là những nơi cất giấu phổ biến cho tài sản không rõ danh tính của Nga.

Các biện pháp trừng phạt và tiêu chuẩn mới sẽ phá hoại khả năng của giới tinh hoa Nga kiếm tiền ở Nga và gửi ra nước ngoài để cất giữ. Bằng việc bảo vệ các đầu sỏ chính trị khỏi một nhà nước tham lam, các hệ thống tài chính và pháp lý phương Tây khiến giới tinh hoa kinh tế Nga dễ dàng tự điều chỉnh cho phù hợp hơn với cách quyền lực vận hành ở Nga. Theo cách này, phương Tây đã giúp ổn định quyền lực của ông

Bên cạnh đó, một số nhà phê bình lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt đã bị lạm dụng. Họ lo sợ nếu phương Tây sử dụng các biện pháp trừng phạt quá thường xuyên, các nước sẽ tìm ra cách để vượt qua chúng. Đây là một mối lo ngại chính đáng trong các trường hợp khác, nhưng không phải trong trường hợp này. Sự sẵn sàng mở rộng các biện pháp trừng phạt là điều khiến chúng trở thành những biện pháp răn đe hiệu quả. Chính viễn cảnh có những biện pháp gây hao tổn hơn, như trừng phạt nhằm vào nợ chính phủ Nga hay loại Nga khỏi các hệ thống thanh toán quốc tế, đã giúp kiềm chế những tham vọng của Nga ở Ukraine.

Mặt khác, Nga đã phải vật lộn để tìm ra cách thức mới vượt qua các biện pháp trừng phạt. Nếu có gì thì đó là những nỗ lực của họ để thích nghi với tình hình đã tạo ra những vấn đề mới. Các lệnh cấm nhập khẩu trả đũa đã không thể làm suy yếu quyết tâm chính trị của phương Tây và chỉ đơn thuần là có lợi cho các nhà sản xuất trong nước của Nga nhưng gây bất lợi cho người tiêu dùng Nga bằng việc đẩy giá thực phẩm lên. Các nỗ lực giải cứu của chính phủ cho các công ty bị thiệt hại vì biện pháp trừng phạt đã nâng cao tầm quan trọng của nhà nước (hiện họ chiếm khoảng 50% nền kinh tế), làm tồi tệ thêm những rắc rối vốn có là sự kém hiệu quả và tham nhũng. Và mặc dù Nga đã vội vàng tìm kiếm những đối tác mới, họ phát hiện mình có ít lựa chọn hơn và không có lợi thế. Cụ thể, Trung Quốc hiện có một vị thế tốt hơn để định hình quan hệ Trung-Nga nhằm phục vụ lợi ích của mình.

Cuối cùng, những nhà phê bình phải giải thích lý do làm thế nào Mỹ và các đồng minh của mình có thể đạt được tốt hơn các mục tiêu của họ. Không có công cụ nào là hoàn hảo. Nhưng các biện pháp trừng phạt thì chi phí thấp, không sát thương cũng như phù hợp với sức mạnh tự nhiên của phương Tây. Trong thập kỷ qua, Nga đã thực hiện cải cách quân sự đầy ấn tượng và tiến hành chiến tranh thông tin hiệu quả. Sức mạnh trỗi dậy của họ đã gây bất ngờ và khiến phương Tây bối rối. Nhưng Nga, giống như trước đây, vẫn yếu kém hơn các kình địch của mình về mặt kinh tế. Lợi thế lớn nhất của phương Tây nằm ở sức mạnh kinh tế. Các biện pháp trừng phạt đã khai thác thực tế đó.

Không phải tất cả các biện pháp trừng phạt đều là những biện pháp trừng phạt tốt. Giống bất kỳ công cụ nào, chúng phải được thiết kế cẩn thận để đạt được những mục tiêu đã định sẵn trong khi gìn giữ sự đoàn kết trong số các đồng minh và hạn chế những hậu quả không lường trước được. Vì mục đích này, việc khôi phục chức vụ điều phối viên Văn phòng chính sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, vốn bị hủy bỏ năm 2017, sẽ là một bước đi hợp lý.