Những ngày Tháng Tám trên quê hương Ninh Thuận anh hùng

(NTO) Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ninh Thuận là một trong những tỉnh đầu tiên giành chính quyền sớm nhất miền Nam, góp phần cho Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong cả nước. Cùng với cả nước, những ngày này người dân Ninh Thuận đang cùng nhau ra sức thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương với các phong trào, chương trình hành động cụ thể, thiết thực chào mừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Mốc son Ninh Thuận

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận, trưa ngày 16-8-1945, được tin Nhật đã đầu hàng phe Đồng minh vô điều kiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đề ra kế hoạch chuẩn bị cho việc khởi nghĩa giành chính quyền. Được tin chiều ngày 21-8-1945, tổ chức “Thanh niên tiền tuyến” thân Nhật sẽ tổ chức mít-tinh tại sân Trường TH Bảo An, ngay trưa ngày 20-8, Ủy ban Việt Minh tỉnh họp bất thường quyết định biến cuộc mít-tinh trên thành cuộc mít-tinh công khai của Việt Minh, kêu gọi quần chúng đứng lên giành chính quyền. 15 giờ ngày 21-8-1945, đông đảo Thanh niên cứu quốc, công nhân, quần chúng cách mạng được trang bị vũ khí thô sơ, băng-rôn, khẩu hiệu, cờ đã biến cuộc mít-tinh của địch thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng và nhanh chóng giành chính quyền ở Tháp Chàm. 18 giờ 45 phút cùng ngày, Đoàn biểu tình kéo xuống Phan Rang phối hợp với lực lượng cách mạng khống chế các công sở, đồn trại của binh lính tay sai Nhật. Tỉnh trưởng Phan Văn Phúc giao nộp ấn tín, chìa khóa, chỉ kho bạc… cho Việt Minh, đánh dấu chính quyền cấp tỉnh đã về tay nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh các cấp, từ ngày 21 đến 22-8 hầu hết các làng, huyện, tổng trong tỉnh nhanh chóng giành được chính quyền. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời được thành lập và ra mắt đồng bào vào ngày 22-8-1945.

Quảng trường 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Văn Miên

Ông Nguyễn Bình Chánh (93 tuổi, phường Bảo An, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), nhân chứng lịch sử nhớ lại: Từ sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền ngày 21-8, không khí tổng khởi nghĩa lan rộng, khắp nơi trong tỉnh háo hức rèn, sắm vũ khí, rải truyền đơn, may cờ đỏ sao vàng, mít-tinh, diễu hành biểu dương lực lượng cách mạng. Cùng với quân dân cả nước, sáng ngày 2-9-1945, tại Hoàng Cung - Mỹ Đức (nay là Sân vận động tỉnh), nhân dân tỉnh ta tổ chức mít-tinh trọng thể, tưng bừng đón chào ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với thế giới Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Khu vực Hoàng Cung- Mỹ Đức được trang hoàng lộng lẫy, với băng cờ, khẩu hiệu đầy đủ, người làng nào đi theo làng ấy, dẫn đầu là người phụ trách Việt Minh và Ủy ban. Đoàn nào cũng có băng cờ, khẩu hiệu và vừa đi, vừa hô vang: “Nhiệt liệt chào mừng ngày Quốc khánh đầu tiên”, “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm”. Hàng vạn đồng bào các dân tộc, các giới trong tỉnh tập trung về đây dự cuộc mít-tinh để chào đón chính quyền về tay Nhân dân.

Sau lễ mít-tinh đó, cùng với cả nước, quân và dân Ninh Thuận đã bước vào các cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chung sức xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, ấm no.

Phát huy truyền thống anh hùng

Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là sau 26 năm tái lập tỉnh, vượt qua biết bao khó khăn, gian nan, thử thách, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Thuận đã phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết một lòng, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống nhân dân và thu được nhiều thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, giai đoạn 2006-2015 đạt trên 10%; tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng bình quân hàng năm của giai đoạn 1992-2016 là 8,7%; giá trị GRDP bình quân đầu người tăng 22,1 lần, đạt 30,3 triệu đồng/người vào năm 2016… Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, năm 2016 đạt 2.088 tỷ đồng, tăng 62,7 lần so với năm 1992. Tỉnh đã nhận diện và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nhất là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), kinh tế biển, du lịch. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được cải thiện, nhiều công trình giao thông, hồ chứa, điện, nước, trường học, bệnh viện... được đầu tư đồng bộ từ thành thị đến nông thôn. Giáo dục, y tế phát triển mạnh mẽ, trình độ dân trí được nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần phát triển tương ứng với sự cải thiện đời sống vật chất, sức khỏe của Nhân dân. Người có công với nước và các nhóm yếu thế được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện vươn lên có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo được chăm lo tốt về đời sống vật chất và tinh thần. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, mối quan hệ đối ngoại rộng mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Năm 2018, toàn Đảng, toàn dân Ninh Thuận đang ra sức thi đua thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra: phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 9-10%. GRDP bình quân đầu người đạt 37-38 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 36-37%; công nghiệp - xây dựng chiếm 23-24%; dịch vụ chiếm 39-40%; thu ngân sách đạt 2.300 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9.600 tỷ đồng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 85 triệu USD; giải quyết việc làm mới cho 15,5 ngàn lao động...

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, cùng với những thành quả to lớn đáng tự hào sau 26 năm tái lập tỉnh, là động lực, sức mạnh tinh thần thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Thuận nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trong những năm sắp tới mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, đưa Ninh Thuận vững bước trên con đường đổi mới.