Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo về hiệu quả cải cách hành chính

(NTO) Thực hiện Quyết định số 351/QĐ-UBND ngày 14-9-2016 của UBND tỉnh ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020, với chỉ tiêu đến năm 2020 sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80%. Thời gian qua các ngành, các cấp đã nỗ lực để thực hiện hiệu quả công tác CCHC ở tất cả các lĩnh vực, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả nhất.

Năm 2017 là năm đầu tiên Bộ Nội vụ triển khai đánh giá Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc đánh giá mang tính toàn diện trên cả ba cấp hành chính ở địa phương. Kết quả SIPAS 2017 phản ánh toàn diện các khía cạnh cung ứng dịch vụ hành chính công. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh ta là 82.44%, xếp vị thứ 23/63 tỉnh, thành phố.

Chỉ số SIPAS là đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ công, gồm: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức; kết quả; việc tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị. Cụ thể, kết quả về sự hài lòng của người dân, tổ chức về tiếp cận dịch vụ năm 2017 của tỉnh ta là 79.78% (cao hơn mức trung bình cả nước 1.92%); sự hài lòng của người dân, tổ chức về yếu tố thủ tục hành chính là 84.20% (thấp hơn mức trung bình cả nước 0,11%); sự hài lòng của người dân, tổ chức về công chức là 85.14% (cao hơn mức trung bình cả nước 3,33%); sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với kết quả cung ứng dịch vụ công là 87,59% (cao hơn mức trung bình cả nước 2.22%); Chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị là 75% (thấp hơn mức trung bình cả nước 0.34%); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính là 82.44% (cao hơn mức chung của cả nước 1.54%).

Bộ phận tiếp nhận và trao trả hồ sơ hành chính tại Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài các chỉ số phản ánh nhận định và các chỉ số hài lòng, SIPAS 2017 còn đưa ra các chỉ số phản ánh mong đợi của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước trong việc ưu tiên cải cách nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức. Năm 2017, sự mong đợi của người dân, tổ chức về ưu tiên cải cách đối với cơ quan hành chính nhà nước nói chung tập trung ở 3 nội dung như: Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ hành chính công và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó cho thấy, để nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức thì cơ quan nhà nước phải xem xét các khía cạnh được người dân, tổ chức quan tâm, mong đợi cải cách nhiều nhất.

Có thể nói rằng, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đã đáp ứng được mục tiêu đề ra, điều đó thể hiện nỗ lực CCHC của tất cả các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh. Các chỉ số SIPAS 2017 là những thông tin rất quan trọng, cần thiết thu nhập được qua khảo sát, giúp tỉnh ta có thể đánh giá thực trạng việc cung ứng dịch vụ hành chính công của mình, từ đó giúp các cơ quan, đơn vị và địa phương xác định được các tồn tại trong CCHC, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ của các cơ quan, đơn vị và địa phương để tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp hơn.

Trong năm 2018, tỉnh ta phấn đấu kết quả xếp hạng Chỉ số SIPAS của tỉnh được xếp trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC cấp tỉnh. Để đạt được mục tiêu đó, các sở, ngành và địa phương cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế giám sát và góp ý của người dân; phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục tham gia tích cực trong công tác giám sát, phản biện về công tác giải quyết TTHC các cấp. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về CCHC và công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Triển khai phát động phong trào thi đua CCHC gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Có thể nói, sự hài lòng của người dân chính là thước đo trung thực nhất, chính xác nhất cho mọi cố gắng CCHC. Điều này không những sẽ làm thay đổi căn bản tính chất của cải cách mà còn xác lập được chế độ trách nhiệm cao hơn đối với các công chức hành chính. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch CCHC hằng năm của tỉnh.