CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM - CAI NGHIỆN MA TÚY

Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người

(NTO) Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tập trung làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm buôn bán người và đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều nạn nhân đã được hỗ trợ, giúp đỡ trở về ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng.

Để phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm mua bán người, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng Công an phối hợp với Bộ đội biên phòng, ngành Nội chính nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các hoạt động tội phạm mua bán người; chủ động mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; điều tra, xử lý nghiêm các vụ mua bán người theo pháp luật; làm tốt việc tiếp nhận, giải cứu nạn nhân bị mua bán và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người. Tội phạm mua bán người từng bước được kiềm chế và có xu hướng giảm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh và các huyện, thành phố đã tập trung nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn, đồng thời đánh giá tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người để kịp thời phòng, ngừa, đấu tranh; tiếp tục rà soát đối tượng buôn bán phụ nữ trẻ em, tập trung các địa bàn trọng điểm: Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, công tác phòng, chống buôn bán người đạt được những kết quả quan trọng. Qua thống kê, 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tội phạm mua bán người hoặc có hoạt động liên quan đến mua bán người.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Qua thống kê, từ năm 2012 đến năm 2017, Công an tỉnh đã tiếp nhận 10 đơn thư tố giác tội phạm mua bán người. Hầu hết các nạn nhân bị lừa mua bán tại các địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương. Đến nay, có trên 10 nạn nhân đã trở về gia đình và còn 2 nạn nhân nghi bị mua bán trước đây chưa trở về địa phương. Các trường hợp là nạn nhân bị mua bán, sau khi điều tra làm rõ đã được giao về chính quyền nơi nạn nhân cư trú để quản lý, theo dõi, tạo điều kiện hỗ trợ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Qua đấu tranh, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng là tìm đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lợi dụng trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn để lừa gạt người dân dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm, rủ nạn nhân cùng đi làm ăn, buôn bán... sau đó đưa nạn nhân bán cho các đối tượng buôn bán người ép làm gái bán dâm, lao động, lấy chồng nước ngoài...

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, thông qua công tác tiếp nhận nạn nhân, đơn thư tố giác, Công an tỉnh tiếp nhận, xác minh 2 đơn trình báo, cụ thể: Ông Bình Tô Hà Thiên, sinh năm 1973, ở thôn Bố Lang, xã Phước Bình (Bác Ái) có đơn trình báo về việc con ông tên Bà On Kà Lương, sinh năm 2002 bị một đối tượng lừa đưa qua Trung Quốc. Công an tỉnh đang phối hợp với C45, Bộ Công an xác minh làm rõ. Trường hợp thứ 2, ông Trần Văn Hòa, sinh năm 1956, ở thôn Bảo Vinh, xã Phước Vinh (Ninh Phước) có đơn trình báo về việc con ông là Trần Thị Kim Loan, sinh năm 2003, bị lừa bán qua Trung Quốc. Qua xác minh vụ việc xảy ra vào tháng 10-2017 tại địa bàn thôn Thanh Hóa, xã Hố Nai, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Hiện Công an tỉnh đang phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai để giải quyết theo thẩm quyền.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người có hiệu quả trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân Bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 401/KH-BCĐ ngày 26-1-2018 về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2018, trong đó yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, lực lượng công an, bộ đội biên phòng điều tra, làm rõ; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh đẩy mạnh phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo, buôn bán người; nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động và tích cực tham gia đấu tranh, tố giác của người dân đối với loại tội phạm này, để sớm đẩy lùi tệ nạn buôn bán người trên địa bàn toàn tỉnh. Công an tỉnh nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng có liên quan trên địa bàn tỉnh; kịp thời xử lý thông tin tội phạm, thu thập tài liệu, chứng cứ, tổ chức điều tra, truy bắt đối tượng chủ mưu, cầm đầu, môi giới, cò mồi trong các đường dây mua bán người; phối hợp với lực lượng chức năng xác minh, làm rõ đơn thư phản ảnh của nhân dân liên quan đến tội phạm mua bán người. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ngành liên quan kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, địa phương kịp thời thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân mua bán người hòa nhập cộng đồng, xã hội. Sở Tư pháp hướng dẫn tăng cường thực hiện việc trợ giúp pháp lý, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho nạn nhân mua bán người có khó khăn về tài chính theo quy định pháp luật...

* Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vừa triển khai Kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn, đối chiếu số liệu về người nghiện ma túy, mại dâm; giám sát địa bàn và các đối tượng liên quan đến hoạt động ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2018. Kế hoạch được thực hiện đến cuối tháng 9-2018, với mục đích nắm chắc diễn biến hoạt động mại dâm, ma túy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, sử dụng ma túy; quản lý chặt chẽ người sử dụng ma túy, người sau cai nghiện, cũng như vận động người nghiện đi cai nghiện ma túy; hỗ trợ, tư vấn người nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương học nghề, tìm việc làm; từng bước kiểm soát, ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng đối tượng mại dâm, ma túy góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

* Trong 6 tháng đầu năm 2018, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người đã được Tỉnh đoàn triển khai tích cực, đóng góp nhiều kết quả trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Toàn Đoàn đã tổ chức 135 đợt tuyên truyền pháp luật cho 6.790 đoàn viên, thanh niên; 138 đợt giáo dục truyền thống cho hơn 5.460 lượt đoàn viên, thanh niên. Ngoài ra, các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh đã duy trì tổ chức các tổ đội xung kích an ninh do đoàn thanh niên đảm nhận, với nhiệm vụ vừa tham gia phòng, chống tội phạm, vừa tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn dân cư về công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người. Qua đó góp phần củng cố an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước xây dựng nếp sống văn hóa trong đoàn viên, thanh niên.