Tăng cường quản lý vốn đầu tư công

(NTO) Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đầu tư công, cũng như quan tâm triển khai công tác kiểm tra, giám sát kịp thời nên các chương trình và nguồn vốn triển khai trong giai đoạn nói trên đều phát huy hiệu quả tốt, không có công trình nào hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng hoặc phải dừng thi công dang dở, gây lãng phí thất thoát ngân sách.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2018, tổng nguồn vốn đầu tư công do tỉnh ta quản lý 3.998, 2 tỷ đồng, chiếm 68,8% kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương 1.423,6 triệu đồng; vốn chương trình mục tiêu 1.461,5 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia 196,8 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ 916,2 tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016 – 2018, UBND tỉnh kiến nghị thông qua cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) giao bổ sung 969,6 tỷ đồng; trong đó, bổ sung vốn dự phòng ngân sách Trung ương 422 tỷ đồng và bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ trên 547,6 tỷ đồng.

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Các nguồn vốn sau khi được Trung ương giao, đơn vị tham mưu UBND tỉnh triển khai phân bổ kịp thời cho các sở, ngành, địa phương theo đúng Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách. Theo đó, tổng số công trình triển khai thực hiện trong giai đoạn này là 106 công trình, với tổng vốn đầu tư 2.462,9 tỷ đồng; trong đó, có 47 công trình chuyển tiếp từ năm 2015 sang, 59 công trình khởi công mới. Với sự quản lý đầu tư chặt chẽ, bố trí kế hoạch vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, đến cuối năm 2017 có 41 công trình đã hoàn thành, dự kiến đến cuối năm 2018 có thêm 29 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, nâng tổng số công trình hoàn thành lên 70 công trình và 36 công trình chuyển tiếp sang năm 2019 là cơ bản đáp ứng theo tiến độ đề ra.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đầu tư công, cũng như quan tâm triển khai công tác kiểm tra, giám sát kịp thời nên các chương trình và nguồn vốn triển khai trong giai đoạn nói trên đều phát huy hiệu quả tốt, không có công trình nào hoàn thành không đưa vào sử dụng hoặc phải dừng thi công dang dở, gây lãng phí thất thoát ngân sách. Đơn cử ở lĩnh vực hạ tầng giao thông, trong 3 năm (2016 – 2018) có 4 dự án giao thông liên xã là đường Phước Đại – Phước Trung, Phước Đại – Phước Tân (Bác Ái); đường Ba Tháp – Suối Le – Phước Kháng và các Dự án đường giao thông nông thôn liên xã (Thuận Bắc) đã được đầu tư, nâng cấp với tổng chiều dài 80 km. Đến nay, công trình đường Phước Đại-Phước Trung đã hoàn thành và đường Ba Tháp-Suối Le-Phước Kháng thi công đạt 66% giá trị khối lượng công việc. Qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân địa phương, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh nhà phát triển. Đối với hạ tầng thủy lợi, nhờ nguồn vốn được phân bổ phù hợp, kịp thời, đến nay nhiều hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 thuộc các hồ chứa như Sông Biêu, Lanh Ra… sau khi được đầu tư đã phát huy hiệu quả sử dụng, đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định, tăng diện tích sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân trong vùng hưởng lợi khai thác tiền năng phát triển chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.

Từ nguồn vốn đầu tư công, hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 thuộc hồ chứa
Lanh Ra (Ninh Phước) phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: V.M

Kết quả triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2018 đã tạo chuyển biến tích cực, kích thích nền kinh tế tỉnh phát triển, tuy nhiên qua đánh giá của các sở, ngành, huyện, thành phố cho thấy, do nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh ta hiện nay chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Do đó, trước bối cảnh nợ công tăng cao, nguồn vốn đầu tư công trung hạn cả nước khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đầu tư phát triển của tỉnh. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2018 trên địa bàn tỉnh có 23 dự án đã được Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư, nhưng đến nay mới chỉ có 12 dự án được triển khai, còn lại 11 dự án do chưa được Trung ương bố trí vốn nên chưa triển khai thực hiện. Trong khi đó, chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 cũng bị cắt giảm còn 2 chương trình, nguồn vốn bố trí lại thấp, nên thiếu nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục. Mặt khác, do quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật chưa thống nhất, nhưng chậm được điều chỉnh nên khó khăn trong triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2017 tổng số nợ còn lại 111 tỷ đồng; trong đó, nợ các công trình do tỉnh quản lý 91,1 tỷ đồng/22 công trình và nợ các công trình do huyện, thành phố quản lý trên 19,9 tỷ đồng.

Để việc triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn tới đúng định hướng, có trọng tâm, trọng điểm, theo đồng chí Phạm Đồng, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đầu tư và nguồn vốn được phân bổ; đồng thời, thực hiện tốt việc tham mưu UBND các cấp ban hành kịp thời văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn tổ chức thực hiện, nhằm hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng, đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng cần đẩy mạnh các giải pháp kêu gọi thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công năm 2014 nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, giúp cán bộ, các tầng lớp nhân dân phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát lĩnh vực này, nhằm hướng đến mục tiêu các công trình, dự án được đầu tư phải phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà. Về kế hoạch thanh toán nợ đọng, trong năm 2018, tỉnh bố trí 96,966 tỷ đồng, trong đó thanh toán nợ các công trình do tỉnh quản lý 77,061 tỷ đồng; nợ các công trình do huyện, thành phố quản lý 19,905 tỷ đồng. Số nợ còn lại 14,044 tỷ đồng, tỉnh dự kiến trong năm 2019 sẽ thanh toán xong, hoàn thành trước một năm theo lộ trình thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản mà Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định.