Dấu ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 27-7

* Sự kiện:

- Ngày 27-7-1947: Ngày thương binh toàn quốc (nay là “Ngày thương binh, liệt sĩ”) Ngày 27-7-1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, diễn ra lễ mít tinh công bố bức thư đầu tiên Bác Hồ gửi ban tổ chức ngày thương binh, ghi nhận sự ra đời của “Ngày thương binh toàn quốc”, sau này là “Ngày thương binh, liệt sĩ”. Đây là dịp để cả nước thể hiện lòng tri ân đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. 67 năm qua, chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã không ngừng phát triển, đổi mới và hoàn thiện, trở thành một hệ thống chính sách ưu đãi lớn của Đảng, Nhà nước ta. Các chính sách đã đi vào cuộc sống, tạo nên sự đồng thuận giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, trở thành động lực của phong trào cách mạng rộng lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Ngày 27-7-1953: Báo Cứu Quốc, số 2378, đăng bài “Tự phê bình và phê bình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký bút danh Đ.X). Người chỉ rõ: Để nâng cao trình độ lý luận và chính trị, mỗi đảng viên cần phải luôn luôn thực hành thật thà tự phê bình và phê bình. Đảng thì dùng cách chỉnh Đảng, chỉnh huấn để giáo dục đảng viên. Về mặt tổ chức, Đảng phải có kỷ luật rất nghiêm. Phải tiến hành xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó không chỉ là công việc của Đảng, của đảng viên mà là của toàn dân. Đảng viên phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.Tác giả kết luận: “Một đảng có chủ nghĩa Mác-Lênin, có kỷ luật nghiêm khắc, thật thà tự phê bình và phê bình, liên hệ chặt chẽ với nhân dân một Đảng đúng đắn về tư tưởng chính trị và tổ chức như Đảng Lao động Việt Nam, đảm bảo chắc chắn cho kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công”.

- Ngày 27-7-1963: Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “ba xây, ba chống”. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích 3 tệ nạn phải chống: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội... Lãng phí làm tổn hại nghiêm trọng cho Nhà nước và nhân dân... Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí... Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

- Từ ngày 27 đến 30-7: Đại hội lần thứ XI Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018. Gần 950 đại biểu ưu tú, đại diện cho sức mạnh đoàn kết, trí tuệ, niềm tin và nguyện vọng của gần 8 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, lao động và tổ chức công đoàn các cấp trong cả nước đã về dự Đại hội. Đại hội đã kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động và các cấp công đoàn cả nước phát huy mạnh mẽ truyền thống và bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn Việt Nam, quyết tâm phấn đấu đi tiên phong trong thực hiện phương châm hành động “Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn”.Đại hội đã đã bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI - nhiệm kỳ 2013-2018 gồm 172 ủy viên. Ông Đặng Ngọc Tùng tái đắc cử Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI.

* Nhân vật:

- Ngày 27-7-1907: Ngày sinh giáo sư Nguyễn Xiển. Nguyễn Xiển quê ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.Ông từng là Bộ trưởng Bộ cứu tế, Giám đốc Nha Khí tượng Việt Nam, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII, Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội từ khóa II đến khóa VI, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII.Ông là người có nhiều cống hiến to lớn trên các lĩnh vực chính trị, khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo… Ngay sau cách mạng Tháng Tám, ông và Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là những người có công đầu trong việc chuyển nền trung học từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Ông cũng là người chủ biên nhiều công trình khoa học quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực khí tượng-thủy văn như tập Atlas khí hậu Việt Nam, đặc điểm khí hậu miền Bắc. Những công trình này đã phục vụ đắc lực cho nông nghiệp, xây dựng, quốc phòng. Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Ông mất ngày 9-11-1997, tại Hà Nội.

Theo TTXVN