Ý kiến cử tri gửi Quốc hội

Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với UBTV Quốc hội đã tổng hợp 1.129 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội bày tỏ ý kiến về nhiều vấn đề, lĩnh vực cũng như đưa ra các kiến nghị.

 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đọc Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri và nhân dân cả nước
gửi tới Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Trong buổi làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 6 diễn ra sáng 21/10, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đọc Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Cử tri đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ trong việc điều hành đất nước, ổn định tình hình trong bối cảnh khó khăn. Niềm tin của cử tri, nhân dân cả nước đối với Nhà nước tiếp tục được củng cố.

Tiếp thu tối đa ý kiến hợp lý cho Hiến pháp

Về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai, cử tri và nhân dân bày tỏ mong muốn Quốc hội chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý; những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp cần được kế thừa như: Bản chất chế độ Nhà nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Vấn đề thu hồi đất trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được nhiều cử tri gửi gắm ý kiến. Theo đó, quy định về thu hồi đất với trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, công cộng nhận được sự tán thành cao.

Tuy nhiên đối với mục đích phát triển kinh tế-xã hội thì còn nhiều ý kiến băn khoăn và chưa thật sự đồng tình. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quy định chặt chẽ bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư khi thu hồi đất.

Dứt điểm xử lý các vụ án tham nhũng lớn

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Cử tri đánh giá công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế trong thời gian qua. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng xử lý kỷ luật hành chính để không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, bỏ lọt tội phạm.

Tuy nhiên, cử tri hoan nghênh việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành lập 7 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, giám sát, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp vừa qua. Đồng thời hy vọng phòng, chống tham nhũng sẽ có chuyển biến rõ rệt, đáp ứng niềm tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Cử tri và nhân dân kiến nghị đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt là với 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp như vụ án tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Ngân hàng ACB liên quan đến đối tượng Nguyễn Đức Kiên,…

Hỗ trợ hiệu quả cho nông dân

Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng qua, cử tri cho rằng đã có những chuyển biến tích cực, tăng trưởng được thúc đẩy, ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại tệ tăng, sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi, tăng cường xuất khẩu, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm, tiếp tục hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển… Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, đời sống đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa còn khó khăn…

Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp hơn, hiệu quả hơn cho nông dân như cung cấp vốn, giống chất lượng cao, cung cấp máy móc kỹ thuật vào sản xuất... Các cơ quan chức năng cần tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất và buôn bán phân bón, thuốc thú y, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc giả; hỗ trợ đào tạo nghề hiệu quả hơn cho nông dân; xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp…

Các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ và quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong việc đảm bảo chất lượng công trình và an toàn các hồ chứa nước, đập thủy điện, nhất là ở khu vực miền Trung, tránh tình trạng người dân vừa phải chịu bão, lũ vừa phải chịu ảnh hưởng do xả lũ gây úng ngập.

Xử lý việc buông lỏng quản lý và hành vi gây ô nhiễm môi trường

Cử tri đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi diễn ra ngày càng trầm trọng, điển hình như vụ chôn lấp hóa chất bị cấm và thuốc bảo vệ thực vật hết hạn của Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; vụ vận chuyển, xử lý phân, rác thải từ máy bay ở sân bay Nội Bài và nhiều vụ việc khác mà báo chí đã nêu và công luận đang rất bức xúc hiện nay.

Cử tri và nhân dân kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc buông lỏng quản lý về môi trường; tăng mức xử phạt và xử lý nghiêm các cá nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp có hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường.

Phiên Khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII ngày 21/10. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Bên cạnh đó, vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành nỗi lo thường trực của người dân trước tình trạng sử dụng hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc trong bảo quản thực phẩm; phun quá liều lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất không được phép sử dụng lên rau xanh; dùng chất độc huỳnh quang trong sản xuất bún, tình trạng tiêu thụ sản phẩm thiu thối, không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch, bệnh... Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, công bố công khai người vi phạm rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

Làm rõ trách nhiệm y đức

Ngành Y tế được nhắc đến trong bản kiến nghị của cử tri bằng sự ghi nhận một số kết quả và tiến bộ đạt được gần đây như việc đưa vào vận hành nhiều thiết bị hiện đại, áp dụng một số công nghệ cao vào việc khám chữa bệnh cho nhân dân ở một số cơ sở điều trị.

Bộ Y tế đã xây dựng một số chiến lược, đề án quan trọng đến năm 2020 của ngành; tăng cường kiểm tra chuyên môn tại nhiều địa phương, bệnh viện, kịp thời xử lý một số sai phạm của các đơn vị.

Tuy nhiên, cử tri cho rằng từ sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo một số bệnh viện và sự quản lý chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng đã dẫn đến một số vi phạm nghiêm trọng, điển hình như vụ “nhân bản” xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (thành phố Hà Nội); việc sử dụng vaccine viêm gan B dẫn đến chết người tại Quảng Trị và một số địa phương; việc quản lý và sử dụng không đúng vật tư y tế, tài chính của một số cơ sở y tế.

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và chính quyền các địa phương làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những vi phạm của từng cơ quan, cá nhân trong từng cấp quản lý đồng thời yêu cầu ngành y tế triển khai quyết liệt hơn các giải pháp giảm quá tải ở các bệnh viện.

Nguồn www.chinhphu.vn