Khoảnh khắc và Sự kiện 24-8

* Trong nước:

- Ngày 24-8-1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi ông Tôn Thất Phùng, nhân viên hỏa xa đã chế được một loại thuốc chống căn bệnh sốt rét. 

Thư biểu dương: “Thế là ông đã lập được công trong thi đua ái quốc”. Thư còn biểu dương chung đội ngũ công nhân hỏa xa với lời căn dặn: “Trong lúc toàn thể đồng bào không quản lao khổ, anh dũng kháng chiến để đấu tranh độc lập thống nhất cho Tổ quốc, mỗi người cán bộ của ta phải thực hành khẩu hiệu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thì kháng chiến nhất định mau thành công”.

 - Ngày 24-8-1958: Khánh thành Sân vận động Hàng Đẫy (nay là sân vận động Hà Nội).  Nằm giữa phố Bích Câu và phố Hàng Đẫy cũ, sân Hàng Đẫy được xây dựng vào năm 1937 với vẻn vẹn chỉ 400 chỗ ngồi...

Sau ngày giải phóng Thủ đô, Chính phủ cho xây dựng lại sân Hàng đẫy với chủ trương “đẹp, tốt, rộng, đúng quy cách hiện đại”. Khởi công vào ngày 16-2-1957 sân Hàng Đẫy mới với diện tích  21.844 m2, sức chứa  xấp xỉ 2,5 vạn người,  trở thành sân vận động hiện đại đầu tiên ở Hà Nội.

Hơn 60 năm tồn tại, nơi đây chứng kiến hầu hết các sự kiện lớn của thể thao nước nhà, trước khi Hà Nội có thêm sân vận động Mỹ Đình. Đến nay, sân được coi là quá “già nua” so với đô thị hiện tại.

Tháng 3-2018, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Buygues của Pháp đã ký thỏa thuận nâng cấp sân Hàng Đẫy, giá trị lên đến 250 triệu euro. 

- Ngày 24-8-2010: Khách sạn Metropole Hà Nội giành giải Vàng di sản. 

Đây là giải thưởng do Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương (PATA) trao tặng nhằm vinh danh những nỗ lực của khách sạn trong việc bảo tồn và làm hưng thịnh một trong những di sản  quý báu của Đông Nam Á.

Metropole Hanoi là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Hà Nội, mang phong cách kiến trúc cổ thời Pháp thuộc với 364 phòng được thiết kế trang nhã. Dù đã được sửa sang, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại nhưng khách sạn vẫn giữ được kiến trúc độc đáo từ năm 1901. Đặc biệt, khách sạn chú trọng đến khung cảnh mặt tiền đẹp, sang trọng bởi hệ thống các cửa hàng cao cấp, với những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. 

Metropole luôn lọt vào tốp “Những khách sạn tốt nhất thế giới” do các tạp chí danh tiếng bình chọn. 

* Thế giới:

- Ngày 24-8-1976: Tàu vũ trụ Soyuz-21 (Liên Hợp 21) của Liên Xô trở về Trái đất.  Tàu Liên Hợp 21 được phóng lên quĩ đạo ngày 6-7-1976.

Đây là chuyến bay đầu tiên của Liên Xô chở người lên làm việc tại trạm không gian Salyut-5 (Chào mừng-5). 

Mục đích chính của nhiệm vụ là thử nghiệm khả năng giám sát các hoạt động quân sự từ trạm không gian. Bên cạnh nhiệm vụ chính, hai nhà du hành vũ trụ trên tàu cũng đã thực hiện nhiều thí nghiệm khoa học khác như quan sát Mặt Trời, theo dõi sự hoạt động của cá trong môi trường không trọng lượng, nói chuyện qua cầu truyền hình với học sinh, ...

Phi hành gia Jeff Williams.

Do các thiết bị của trạm Chào mừng-5 gặp trục trặc nên điều kiện sống của các nhà du hành trở nên khó khăn và họ gặp các vấn đề về sức khoẻ, tâm lý. Chính vì vậy, phi hành đoàn đã trở về Trái Đất sớm hơn dự kiến.

- Ngày 24-8-2010: Các nhà thiên văn châu Âu công bố phát hiện mới nhất về một hệ hành tinh giống hệ Mặt Trời ở cách xa Trái Đất 127 năm ánh sáng. Đây được coi là phát hiện lớn nhất về các hành tinh ngoài Trái Đất kể từ khi một hệ hành tinh ngoài Trái Đất được phát hiện 15 năm trước đây. 

Hệ hành tinh mới này gồm ngôi sao được các nhà thiên văn châu Âu đặt tên là HD 10180 và có ít nhất 5 hành tinh lớn cỡ Sao Hải vương quay quanh. Ngôi sao HD 10180 cũng giống như Mặt Trời và cách sắp xếp các hành tinh quay quanh ngôi sao này cũng giống cách sắp xếp hành tinh của hệ Mặt Trời, mặc dù cho đến nay chưa phát hiện được bằng chứng nào cho thấy các điều kiện môi trường trên hệ hành tinh này cũng giống như trên hệ Mặt Trời. 

- Ngày 24-8-2016: Nhà du hành vũ trụ Jeff Williams phá kỷ lục của Mỹ về thời gian sống trong không gian. 

Phi hành gia người Mỹ Jeff Williams đã lập kỷ lục mới về thời gian tích lũy nhiều nhất trong vũ trụ đối với một nhà du hành vũ trụ Mỹ. Tính đến ngày 24-8-2016, ông Jeff Williams đã có hơn 520 ngày sống trong vũ trụ, phá vỡ kỷ lục do nhà du hành vũ trụ Scott Kelly lập khi thực hiện sứ mệnh kéo dài gần một năm trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). 

Tuy phá kỷ lục tại Mỹ một cách ấn tượng, song nó chỉ đủ để ông Williams xếp hạng thứ 14 trong danh sách các phi hành gia và nhà du hành vũ trụ về kỷ lục thời gian họ ở bên ngoài Trái Đất. Người đứng đầu danh sách là Gennady Padalka đã có 879 ngày trong vũ trụ, thực hiện 5 sứ mệnh. Bà Whitson hiện giữ kỷ lục là người phụ nữ có tổng thời gian dài nhất ở trong vũ trụ.

Theo TTXVN