Họ là những người còn rất trẻ, thời của 9X đang học tập và làm việc tại thành phố năng động nhất đất nước: Tp. Hồ Chí Minh. Với họ, tuổi trẻ, sức khỏe và nhiệt tâm đang là tài sản quý giá nhất trong hành trang vào đời. Hãy nghe họ tâm sự đôi lời về quê nhà Ninh Thuận.
(NTO) Trần Quốc Anh (sinh viên năm 4 ngành Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc tế Tp. Hồ Chí Minh)
Sau khi ra trường tôi muốn làm việc ở một ngân hàng tại Tp. Hồ Chí Minh vì ở đây có nhiều cơ hội phát triển hơn. Tôi học ngành Công nghệ Thông tin mà hiện nay ở quê mình không có các công ty chuyên về phần mềm, chỉ có một số công ty nhỏ bán các linh kiện và máy tính.
Mới ra trường muốn đóng góp cho quê hương quả thật hơi khó nhưng về lâu dài tôi muốn đầu tư ở tỉnh mình một công ty chuyên quản lý các dự án, thúc đẩy thương mại điện tử về hệ thống quản lý doanh nghiệp. Hiện tỉnh mình chưa có nhiều công ty loại đó. Việc quản lý bằng hệ thống theo tôi là rất cần thiết đối với các nhà hàng, khách sạn và nhiều nơi khác. Kế hoạch dài hạn của tôi là trong 15 năm nữa sẽ có đủ kinh nghiệm và tài chính để thực hiện ước mơ này.
Lê Thị Hồng Phượng (sinh viên năm 4 ngành Công nghệ Sinh học, Đại học Văn Lang)
Rời quê vào thành phố, tôi chỉ mong học tập thật tốt để kiếm được việc làm ổn định giúp đỡ cha mẹ và nuôi em nhỏ ăn học. Trong suy nghĩ tôi luôn muốn về quê công tác (nếu có thể) vì muốn cống hiến sức trẻ cho sự phát triển của quê hương. Đó có thể là truyền đạt những kiến thức sản xuất nông nghiệp theo phương pháp canh tác mới, giúp nông dân giảm bớt công lao động nặng nhọc, hoặc có thể là nhân một giống cây mới có chất lượng tốt hơn và năng suất cao hơn.
Tôi không biết về quê thì cơ hội kiếm việc làm phù hợp với chuyên môn có dễ dàng không. Tôi còn trẻ và muốn thử sức với những việc làm mang tính thử thách, nhưng dù sao tôi cũng vẫn rất mong muốn được về Ninh Thuận.
Huỳnh Ngọc Thanh (sinh viên năm 4 ngành Kiến trúc, Đại học Văn Lang)
Vào TP.Hồ Chí Minh học tập tôi rất nhớ gia đình và quê hương, nhớ từ biển Ninh Chử đến Quảng trường 16 Tháng 4, những kỷ niệm quen thuộc mà giờ đây thật khó tìm. Tết vừa rồi về quê được ba mẹ dắt đi ăn bánh xèo Hồ Cá, vào Sài Gòn vẫn còn nhớ mãi hương vị quê nhà. Mỗi món ăn Phan Rang đều có một hương vị riêng, không giống với những nơi khác.
Quê hương mình, nền kinh tế đang phát triển, tuy nhiên vẫn còn nghèo. Có lẽ học xong tôi sẽ ở lại TP.Hồ Chí Minh làm việc vài năm, tích luỹ kinh nghiệm để thực hiện ước mơ của mình, trở về Phan Rang-Tháp Chàm mở một văn phòng tư vấn kiến trúc, xây dựng.
Huỳnh Trà Thắng (22 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh)
Xa quê vào thành phố học tập, lòng tôi bộn bề những lo toan. Suy nghĩ đầu tiên là làm sao có thể sống tốt ở đây, phải lập các kế hoạch chi tiêu, học hành như thế nào cho phù hợp. Tất nhiên xa quê thì rất nhớ, tôi nhớ cả những gì quen thuộc, giản dị ở quê hương, nhớ từng cây cầu, con đường mòn ít người qua lại, nhớ những kỷ niệm với bạn bè, những lần một mình đi câu cá, bắt ốc ở con mương gần nhà. Tôi nhớ cả khi ngồi quán cà phê nghe những bản ballad nhẹ nhàng, hương cà phê Phan Rang cứ phảng phất không thể nào quên được. Những khi mệt mỏi ở chốn Sài Gòn đông đúc, tôi chỉ mong ước được về quê một ngày, nằm trên chiếc giường quen thuộc và ngủ một giấc dài.
Điều tôi mong muốn nhất là học thật tốt để có đủ kiến thức, bằng cấp như mình muốn để trở về quê làm việc. Kế toán là một ngành có nhu cầu cao trong xã hội vì bất cứ một công ty nào, dù tư nhân hay nhà nước, dù lớn hay nhỏ cũng đều cần có kế toán. Tôi dự định học liên thông lên đại học và bổ sung một số loại chứng chỉ khác. Đối với một người xa quê đi học như mình thì phải xác định đặt mục tiêu trang bị một vốn kiến thức nhất định rồi mới trở về quê hương.
Bùi Trần Ca Dao