Ngày trong trẻo trên quê hương

Ninh Thuận là vậy. Nắng ấm sẽ mãi tràn ngập trên đất mẹ này, để quê hương luôn là những ngày trong trẻo…
“Ninh Thuận của các bạn khá trù phú đó chứ, nào quá khắc nghiệt như… “sách vở” mô tả đâu! Rừng – biển, phố thị - ruộng vườn hài hòa lắm, …”. Đó là nhận xét của mấy người bạn đồng nghiệp ở miền Nam trong lần ghé thăm Tòa soạn Báo Ninh Thuận, hôm đầu tháng 8 vừa qua, khiến tôi chợt… “ngộ” ra rằng: Là vậy! Quê mình cũng “sáng lắm, trong trẻo lắm”, nào thua kém gì ai…

1. Tôi quyết định khởi phát “hành trình” tìm cảm nhận hơi ấm quê hương bắt đầu từ Phan Rang – Tháp Chàm, thành phố được khách viễn phương đánh giá là đô thị trẻ của vùng đất nắng gió này.


Một góc biển Ninh Chử

… Đêm cuối hè, khá đông người dân phố thị xuôi theo đường 16 Tháng 4, về hướng bãi tắm Bình Sơn – Ninh Chử, chỉ cách trung tâm thành phố khoảng hơn 3km, về hướng đông. Từ xa, đã nghe tiếng sóng vỗ bờ nhè nhẹ, rì rào. Biển êm. Trên vỉa hè của những con đường “xương cá” dẫn ra biển, khá đông du khách và dân địa phương quây quần bên mấy hàng bánh căn, bánh xèo – những món ăn đặc trưng của Ninh Thuận, nổi tiếng cả nước – vừa thưởng thức, vừa trò chuyện rôm rả. “Không mỹ miều như Nha Trang, cũng không ồn ào như Phan Thiết, Ninh Chử - Bình Sơn đâu đó vẫn còn vương nét hoang sơ của một vùng biển chưa bị tiến trình đô thị hóa khỏa lấp…”. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều này khi có nhã hứng viếng thăm chùa Trùng Khánh, tọa lạc trên đỉnh núi Đá Chồng để phóng tầm mắt ra xa, bao quát một vùng non nước của Ninh Hải.

… Chợ Phan Rang xinh xắn như chính thành phố trẻ cùng tên này, sẵn sàng đón khách bằng những món ăn đặc sản: bánh canh, cơm gà, bánh hỏi – lòng heo… thứ nào cũng ngon và rẻ cả.

2. Xuôi theo quốc lộ 1A, về hướng Nam, tôi nhận ra một “Ninh Thuận – quê mình” hài hòa trong nắng ban mai. Thuận Nam – huyện lỵ vừa mới được thành lập, chưa tròn một tuổi – vẫn tự hào là vùng sơn thủy hữu tình với biển Cà Ná nổi tiếng vào “top” những bãi tắm đẹp nhất Việt Nam và xã tỉ phú tàu thuyền Phước Diêm được xếp đầu bảng của tỉnh về mức thu nhập bình quân người dân: xấp xỉ 6 triệu đồng/năm.

“Người anh em” của Thuận Nam là Ninh Phước dẫu chưa thật trù phú nhưng những mùa hạn khắc nghiệt năm nào nay chỉ còn là dư âm. Tân Giang, CK7 và hệ thống kênh Nam được ví như những dòng xanh tắm mát cho các vườn nho mọng quả dọc dài ven quốc lộ. Thứ quả được ví von là “Nữ hoàng trái cây” là sự thưởng lãm thú vị của du khách một dịp nào đó ghé thăm xứ sở xương rồng Ninh Thuận này.

Hôm đầu tháng 8, gần chục người bạn của chúng tôi ở Báo Sóc Trăng được mời đến thăm 2 làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm: gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (Phước Dân - Ninh Phước), được xem là cổ xưa nhất Đông Nam Á. Một vài bình gốm hoa văn tao nhã, hay những tấm khăn choàng sặc sỡ mang đậm chất Chămpa là quà tặng thú vị cho bạn bè gần xa…

3. Tôi không tham vọng “quảng cáo” quê hương mình, bởi chính tôi đến nay vẫn chưa khám khá hết vẻ đẹp tiềm ẩn của vùng đất thiếu mưa thừa nắng này, huống hồ…

Chỉ biết rằng, người Ninh Thuận hiếu khách, cần cù, chịu thương – chịu khó. Và một điều chắn chắn rằng Ninh Thuận là vùng sơn thủy hữu tình, một vùng đất bán sơn địa vững chãi từ những dãy núi hình vòng cung, ôm lấy vùng đồng bằng sát biển nhưng không thiếu những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đầy thú vị: vịnh Vĩnh Hy, Vườn Quốc gia Núi Chúa, tháp Pô Klong Garai, thác Cha-pơ, đồi cát Nam Cương, hải đăng Mũi Dinh…

Ninh Thuận là vậy. Nắng ấm sẽ mãi tràn ngập trên đất mẹ này, để quê hương luôn là những ngày trong trẻo…